OCB nhận khoản vay 100 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế

OCB nhận khoản vay 100 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa nhận khoản vay 100 triệu USD (gần 2.400 tỷ đồng) từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

OCB sử dụng khoảng vay 100 triệu USD như thế nào?

Theo đó, khoản vay của OCB có kỳ hạn 5 năm, sử dụng để hỗ trợ danh mục cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của OCB.

Các ngân hàng để được IFC chấp thuận tín dụng phải trải qua quá trình kiểm duyệt, thẩm định gắt gao theo tiêu chuẩn của tổ chức về chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo quá trình phát triển an toàn, minh bạch và hiệu quả. Trong suốt quá trình duy trì khoản vay, phía ngân hàng thực hiện nghiêm túc các cam kết các chỉ số sức khỏe tài chính về an toàn vốn, thanh khoản, chất lượng tài sản…

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đại diện OCB chia sẻ: “Đây là tin vui đối với OCB nói riêng và khách hàng nói chung. Nguồn vốn giúp nhóm khách hàng thuộc phân khúc SME của OCB tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi, phục vụ đầu tư và phát triển sản xuất – kinh doanh, nhanh chóng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn này”.

Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, ông Thomas Jacobs cho biết: “Khoản vay này giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa IFC và OCB, hỗ trợ ngân hàng từng bước hiện thực hóa tầm nhìn trở thành ngân hàng bán lẻ, tập trung phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”.

Những chương trình hoạt động của OCB

OCB hiện đang triển khai, áp dụng nhiều chính sách, chương trình với nhóm khách hàng SME, có thể kể đến gói ưu đãi lãi suất cho vay, được áp dụng đến hết ngày 30/6. Theo đó, gói ưu đãi cho phép giảm lãi suất tối đa 2%/năm với khoản vay ngắn hạn và 1,5%/năm với khoản vay trung, dài hạn. Ưu đãi lãi suất đến 7,99%/năm với khoản vay ngắn hạn và 10,49% với khoản vay trung, dài hạn cho khách hàng chưa vay vốn tại OCB hoặc doanh nghiệp đã tất toán toàn bộ khoản vay tại ngân hàng này ít nhất 3 tháng tính đến ngày phê duyệt cấp tín dụng.

Ngân hàng OCB cũng vừa tung chương trình “SME Trade Focus” cho doanh nghiệp SME thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu áp dụng đến hết 30/6. Ngoài hưởng lãi suất giảm, doanh nghiệp còn nhận được ưu đãi đến 50 điểm đối với tỷ giá mua bán USD và 100 điểm với các ngoại tệ khác so với tỷ giá niêm yết của OCB.

Doanh nghiệp cũng được miễn phí xử lý bộ chứng từ nhờ thu; miễn phí nhận tiền từ nước ngoài; giảm 20%-100% phí chuyển tiền ra nước ngoài; giảm đến 50% phí phát hành thư tín dụng, chấp nhận, thanh toán nhập khẩu.

Lễ ký kết giữa OCB và IFC

Đối với những doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng triển khai các chương trình cho vay không tài sản đảm bảo; cấu trúc lại tín dụng để giảm áp lực tài chính tạm thời, kể cả việc trả lãi gốc cho vay lẫn lãi suất cho vay.

Ngân hàng dự kiến từ giờ đến cuối năm sẽ triển khai thêm các chương trình hướng đến nhóm doanh nghiệp thuộc ngành nghề gặp khó khăn suốt những năm qua đang trên đà phục hồi mạnh mẽ đó là lĩnh vực dịch vụ du lịch (lưu trú khách sạn, nhà hàng) hay dịch vụ vận tải kho bãi, xây lắp.

Định hướng của ngân hàng này là ưu tiên đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản trị rủi ro. OCB hồi tháng 4 cũng công bố hoàn thành triển khai và áp dụng nền tảng tính vốn điện toán đám mây theo Basel II nâng cao (phương pháp tiếp cận nội bộ – IRB), trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành tất cả yêu cầu tiên tiến của Basel trong chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế.

Chưa kể, trong lần gần nhất, OCB hợp tác IBM và Seatech khởi động dự án triển khai hệ thống giám sát, ngăn chặn, quản lý gian lận trong hoạt động ngân hàng số đa kênh (Fraud Management).

OCB đã đồng hành cùng IFC ở nhiều chương trình, được đánh giá cao tính minh bạch, dịch vụ xử lý nhanh và chính xác trong các nghiệp vụ tài trợ thương mại.

Exit mobile version