Trong quá trình tái cấu trúc hoạt động, dự kiến ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại vị trí Chủ tịch Novaland.
Ông Bùi Thành Nhơn trở lại “cầm cương” Novaland
Sáng nay, Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) đưa thông cáo cho biết, công ty sẽ tái cấu trúc hoạt động. Một trong những thay đổi là dự kiến ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại hội đồng quản trị, là người đại diện pháp luật và dẫn dắt công ty.
Việc trở lại của ông Nhơn theo như Novaland là “vì nghĩ rằng đã là doanh nhân thì phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức”.
Theo chia sẻ của ông Bùi Thành Nhơn: “Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh sẽ tiếp tục toả sáng, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu khách hàng, tiếp tục góp phần vào một nước Việt Nam phát triển”.
Trước đó, từ tháng 1/2022, ông Bùi Thành Nhơn đã chuyển giao ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị cho ông Bùi Xuân Huy và hiện không giữ chức vụ nào tại Novaland. Thời điểm đó, ông Nhơn nói rằng sẽ trao quyền xây dựng chiến lược phát triển cho bộ máy điều hành quản lý mới. Ông sẽ tập trung vào dẫn dắt, định hướng cho toàn bộ NovaGroup.
Thực hiện tái cấu trúc, đảm bảo ổn định hoạt động kinh doanh
Giống như các doanh nghiệp khác, ban lãnh đạo Novaland thừa nhận việc công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới và trong nước biến động khó lường. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã chịu tác động mạnh từ các yếu tố như chiến tranh, lạm phát, dịch bệnh, chính sách thắt chặt tín dụng.
Theo thông cáo, việc ông Nhơn trở lại sẽ là một phần trong đề án tái cấu trúc của NovaGroup – cổ đông lớn nhất của Novaland. Doanh nghiệp này đang thực hiện tái cấu trúc nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Được biết, Novaland sẽ tiến hành xin ý kiến cổ đông để thay đổi cơ cấu Hội đồng quản trị, điều chỉnh số lượng thành viên xuống 5 thay vì 7 trước khi bầu lại thành viên HĐQT.
Công ty cũng cho biết đang cùng với các cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY – Parthenon, Red Capital, Công ty luật YKVN… tiến hành đánh giá tổng thể tình hình, từ đó đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện.
Theo chia sẻ của lãnh đạo EY – Parthenon Việt Nam, thông qua những phân tích ban đầu, tình hình tài chính của Novaland lạc quan trong trung và dài hạn.
Trước đó, doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm tinh giảm những ngành nghề chưa cần thiết, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh nhằm tối ưu chi phí, tập trung nguồn lực để hoàn thiện các dự án tại Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, trung tâm TP HCM.
Tiền thân của NovaGroup là Công ty TNHH Thành Nhơn, được ông Nhơn thành lập năm 1992. Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, tổng tài sản của Novaland xấp xỉ 260.000 tỷ đồng. Chín tháng đầu năm, doanh thu đạt hơn 7.900 tỷ đồng, và đạt hơn 2.050 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Giá trị vốn hoá thị trường của NVL hiện đang ở khoảng 42.600 tỷ đồng. Sau 18 đợt giảm liên tiếp, cổ phiếu của doanh nghiệp này rơi từ vùng 70.000 đồng xuống 20.000 đồng. Tuy nhiên, sau thông tin NovaGroup sẽ chuyển nhượng 150 triệu cổ phiếu để có nguồn tiền cân đối tài chính, cổ phiếu NVL đã đảo chiều đi lên, hiện đang tăng trần 2 phiên liên tiếp.