Niềm tin của các nhà đầu tư vào cổ phiếu Facebook đã suy yếu trong bối cảnh áp lực chính trị cùng sự cố các dịch vụ của Facebook trên phạm vi toàn cầu đều không thể truy cập vào ngày 4/10.
Các dịch vụ bao gồm: Trang chủ nền tảng, Messenger, Instagram, WhatsApp. Trình trạng trên kéo dài 6 tiếng đồng hồ ghi nhận hơn 82.000 báo cáo lỗi trên trang chủ, 76.000 báo cáo lỗi trên Instagram.
Sau sự cố, giá cổ phiếu tập đoàn của CEO Mark Zuckerberg lao dốc 4,9% sau khi đã giảm khoảng 15% kể từ giữa tháng 9 lấy đi hàng tỷ USD từ tài sản CEO Mark Zuckerberg.
Tính đến ngày 6/10, tổng tài sản Mark Zuckerberg giảm mạnh xuống còn 117 tỷ USD, tụt xuống thứ hạng thứ 6. Điều đáng nói, chỉ vài tuần trở lại đây, tài sản của Zuckerberg giảm gần 20 tỷ USD.
Cổ phiếu Facebook chịu áp lực từ 2 vấn đề:
Một là sự cố bất thường xảy ra vào ngày 4/10 – sai lầm có thể khiến công ty mất hàng chục triệu USD doanh thu (quý gần đây nhất, nó mang lại doanh thu khoảng 330 triệu USD/ngày). Sự cố vừa qua cũng ảnh hưởng tới hệ thống nội bộ của Facebook khiến nhân viên không thể truy cập được Workplace. Lần cuối cùng Facebook gặp sự cố tương tự vào năm 2019 khiến mạng ngừng hoạt động trong 14 giờ.
Không chỉ vậy, vấn đề khác đang đè nặng lên Facebook chính là câu chuyện mà Frances Haugen, cựu Giám đốc dự án tại Facebook đưa ra trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 5/10.
Bắt đầu từ giữa tháng 9, thời báo Wall Street Journal tiết lộ một loạt câu chuyện dựa vào các tài liệu nội bộ của Facebook liên quan đến việc nền tảng Instagram tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, Facebook trở thành nền tảng để lan truyền thông tin sai lệch về vụ bạo loạn ngày 6/1 ở trụ sở quốc hội Mỹ.
Thái độ của Facebook trước lời tố cáo của Frances Haugen
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình 60 Minutes của hãng tin CBS, Frances Haugen chỉ trích Facebook ưu tiên “lợi nhuận hơn con người” và không duy trì các biện pháp bảo vệ chống lại thông tin sai lệch sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Cô nói rằng, Facebook cố gắng che giấu mọi bằng chứng liên quan đến việc nền tảng này được dùng để phát tán bạo lực, sự thù ghét và những điều sai lệch.
“Whisteblower” Frances Haugen, 37 tuổi từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc dự án tại Facebook. Cô từng đầu quân cho nhiều gã khổng lồ công nghệ như Google, Pinterest.
* Whisteblower (hay còn được hiểu là người tố giác), thuật ngữ được dùng từ thế kỷ 19 nhằm chỉ người đứng lên tố giác các hành động bất hợp pháp của 1 tổ chức, doanh nghiệp nào đó. Người tố giác có thể là nhân viên, lãnh đạo, khách hàng, nhà thầu hoặc bất kỳ ai.
Cô tin rằng CEO Mark Zuckerberg “không bao giờ đặt ra mục tiêu tạo nên một nền tảng thù hận”. Cách đây 1 tháng, Frances Haugen đã nộp ít nhất 8 đơn khiếu nại lên SEC, cáo buộc công ty Facebook che giấu nghiên cứu về những thiếu sót của mình trước các nhà đầu tư và công chúng.
Trước thông tin trên, Facebook kiên quyết đưa ra ý kiến phản bác những cáo buộc của Frances Haugen, cho rằng những thông tin mà cô đưa ra gây hiểu nhầm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của họ.
Trong vài năm qua, mặc cho những bê bối liên tiếp ập đến nhưng cổ phiếu Facebook vẫn chứng minh được độ bền đáng kinh ngạc. Tính đến ngày 6/10, cổ phiếu Facebook hiện giao dịch ở mức 332,96 USD/cổ phiếu, tăng hơn 150% trong 5 năm trở lại đây.
Các quan điểm và ý kiến được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác.
Zoe Nguyen (Nguồn Forbes)