Lê Viết Hải sẽ từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty từ ngày 1/1/2023. Thay thế ông ở vị trí này là ông Nguyễn Công Phú.
Ông Lê Viết Hải từ nhiệm để con trai đủ điều kiện giữ chức CEO
Theo thông báo của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC), từ ngày 1/1/2023, ông Lê Viết Hải sẽ từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty. Công ty sẽ thành lập hội đồng sáng lập, ông Hải sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch hội đồng này.
Đại diện tập đoàn chia sẻ, ông Hải từ nhiệm là hoạt động nằm trong quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo của doanh nghiệp. Một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến tập đoàn cũng bị đại diện tập đoàn bác bỏ.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ra đời vào năm 1987, do ông Lê Viết Hải sáng lập. Trong suốt 35 năm qua, ông Hải giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp này và được xem là linh hồn của công ty.
Vị trí CEO Hòa Bình được ông Hải chuyển giao cho con trai Lê Viết Hiếu vào năm 2020. Sự thay đổi này nhằm đáp ứng quy định, chủ tịch một công ty đại chúng sẽ không được kiêm nhiệm cùng lúc chức vụ tổng giám đốc. Cho đến tháng 7/2022, ông Hiếu làm Phó tổng giám đốc thường trực, Phó chủ tịch HĐQT Hòa Bình. Việc chuyển giao được đánh giá là phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Như vậy, khi ông Hải thôi làm thành viên HĐQT, đồng nghĩa với việc, ông Lê Viết Hiếu đủ điều kiện để một lần nữa giữ chức vụ Tổng giám đốc Hòa Bình. Về việc để ông Hiếu giữ chức CEO công ty, phía công ty cho biết, toàn bộ thành viên HĐQT đồng thuận tuyệt đối.
Ông Nguyễn Công Phú đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Hòa Bình thay ông Lê Viết Hải
Từ ngày 1/1, người thay thế ông Hải giữ chức Chủ tịch HĐQT Hòa Bình là ông Nguyễn Công Phú. Thông tin từ phía Tập đoàn Hòa Bình, ông Phú sinh năm 1951, có bằng Tiến sĩ Cơ học đất và công trình ngầm tại Đại học Khoa học Paris.
Trước đó, ông Nguyễn Công Phú từng đảm nhiệm các chức vụ quản lý cấp cao tại Tập đoàn Apave ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chưa kể, vị này từng tham gia thiết kế cũng như quản lý nhiều công trình xây dựng tại hơn 20 nước.
Ông Phú tham gia một số dự án lớn ở Việt Nam, có thể kể đến là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Hầm Đèo Cả. Ông Nguyễn Công Phú được bầu làm thành viên HĐQT độc lập của Hòa Bình tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021.
Tập đoàn Hòa Bình nói rằng, hội đồng sáng lập sẽ tham mưu, tư vấn, đồng thời phản biện cho HĐQT và ban điều hành của tập đoàn về chiến lược kinh doanh, các quyết sách quan trọng. Chủ tịch của Hội đồng sáng lập và Hội đồng quản trị sẽ cùng nhau thảo luận các giải pháp chung về các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp theo nguyên tắc đồng thuận.
Doanh thu 9 tháng đầu năm của Hòa Bình đạt gần 11.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2021 tăng trưởng gần 50%. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ còn 61 tỷ đồng, giảm hơn 15%.
Kế hoạch doanh thu dài hạn của Hòa Bình sau 10 năm nữa là đạt 437.500 tỷ đồng (20 tỷ USD) với lợi nhuận 21.875 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Nếu kế hoạch này đạt được vào năm 2032, tập đoàn sẽ dành 10% lợi nhuận thưởng cho nhân viên.