Từ những gã khổng lồ năng lượng như BP và Shell, đến những gã khổng lồ ô tô như General Motors và Daimler, ông lớn châu Âu và Mỹ đã đưa ra quyết định “cắt đứt” với Nga, điều này có thể đánh dấu cái kết của mối quan hệ tồn tại qua nhiều thăng trầm giữa tư bản phương Tây và Nga.
Trong các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh nhất từ trước đến nay, ngày 27/2, Mỹ và Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu chính SWIFT, đồng thời công bố các biện pháp khác để hạn chế việc Moscow sử dụng khoản dự trữ ngoại hối trị giá 630 tỷ USD.
Ngay cả Thụy Sĩ cũng dừng chính sách trung lập kéo dài nhiều thập kỷ để cùng EU trừng phạt Nga và đóng cửa không phận với hàng không Nga.
Trước một loạt các lệnh trừng phạt, các doanh nghiệp phương Tây lần lượt từ bỏ các khoản đầu tư béo bở ở Nga và tính tới chuyện cắt đứt quan hệ với Nga.
Ông lớn châu Âu và Mỹ rút chân khỏi Nga
Shell, công ty dầu khí lớn nhất châu Âu, cho biết hôm 28/2 rằng họ sẽ rút khỏi liên doanh với Gazprom – một tập đoàn khí đốt tự nhiên lớn của Nga. Shell hiện nắm 27,5% cổ phần tại nhà máy khí hóa lỏng Sakhalin 2. Gazprom nắm 50% và điều hành dự án này. Ngoài ra, Shell cũng rút lui khỏi dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức và từ bỏ cổ phần trong các dự án năng lượng ở Siberia.
Ben van Beurden, giám đốc điều hành của Shell, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi rất sốc và thương tiếc trước thiệt hại về nhân mạng ở Ukraine, đó là hành động tấn công quân sự vô nghĩa”. Ông Beurden thừa nhận việc rút khỏi các dự án tại Nga sẽ ảnh hưởng đến giá trị sổ sách của tập đoàn, dẫn đến những thiệt hại. Tính đến cuối năm 2021, Shell có khoảng 3 tỷ USD tài sản dài hạn trong các dự án tại Nga.
Động thái trên tiếp bước công ty dầu khí BP. BP cho biết hôm 27/2 rằng sẽ từ bỏ cổ phần đang nắm giữ trong Rosneft – công ty dầu khí có phần lớn vốn thuộc sở hữu của chính phủ Nga. Quyết định này khiến tập đoàn của Anh bị thiệt hại 25 tỷ USD và lượng dầu khí dự trữ cũng giảm đi một nửa.
Tập đoàn Equinor của Na Uy ngày 28/2 cũng thông báo sẽ bắt đầu thoái vốn các liên doanh ở Nga.
Trong khi đó, General Motors cho biết sẽ tạm ngừng xuất khẩu xe sang Nga cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, việc cắt giảm xuất khẩu sang Nga sẽ không gây tốn kém nhiều cho GM khi hãng này chỉ bán khoảng 3.000 xe mỗi năm ở Nga.
Daimler Truck Holding AG cho biết họ sẽ ngừng gửi các bộ phận lắp ráp cho các đối tác liên doanh của Nga. Volvo Car AB cho biết họ sẽ ngừng hoạt động ở Nga. Ngoài ra, Renault SA đã đóng cửa một nhà máy gần Moscow vì không thể cung cấp đủ phụ tùng.