Viện kiểm sát tiếp tục đề nghị phong tỏa số cổ phiếu VCG của Vinaconex thuộc tài khoản ông Tô Anh Dũng.
Những đề nghị đối với tài sản của ông Tô Anh Dũng
Trong vụ án chuyến bay giải cứu, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – ông Tô Anh Dũng là một trong 54 bị cáo. Với cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, ông đã bị đề nghị mức án 12-13 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Anh Dũng đã nộp 16,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án. Ngoài ra, Viện Kiểm sát đề nghị tiếp tục truy thu bị cáo Dũng số tiền hơn 5 tỷ đồng còn lại; đồng thời tiếp tục phong tỏa thửa đất đứng tên ông Dũng, tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đối với căn hộ ở khu đô thị Tây Hồ Tây; cùng với đó là tiếp tục phong tỏa cổ phiếu VCG thuộc sở hữu của ông Dũng.
Cổ phiếu VCG diễn biến ra sao?
Cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là VCG. Với khối lượng giao dịch trung bình gần 10,3 triệu đơn vị/phiên trong vòng 1 tháng trở lại đây, thanh khoản tại mã cổ phiếu này thường xuyên đạt mức cao.
Phiên giao dịch sáng ngày 18/7, cổ phiếu của Vinaconex tăng 2,6% lên mức 23.300 đồng/cổ phiếu, đang tiệm cận với mức giá ở vùng đỉnh của năm.
Cổ phiếu của Vinaconex so với thời điểm đầu năm đã tăng mạnh 44,25%. Nếu so với mức đáy thiết lập ngày 15/11/2022, giá cổ phiếu này đã tăng 117%.
Thị trường chung phiên sáng nay, VN-Index duy trì tăng 1,86 điểm, tương ứng 3,16% lên 1.174,99 điểm; Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index điều chỉnh nhẹ.
Tạm dừng phiên tòa “chuyến bay giải cứu”
Theo đề nghị của Viện kiểm sát, sáng 17/7, HĐXX phiên tòa “chuyến bay giải cứu” đã quyết định cho tòa tạm dừng để Viện kiểm sát căn cứ vào giấy tờ, chứng từ khắc phục hậu quả của bị cáo, từ đó đề xuất mức án phù hợp. Thời gian tiếp tục phiên tòa chưa được HĐXX thông báo.
Các bị cáo sẽ nộp các chứng từ, giấy tờ liên quan đến việc nộp thêm tiền khắc phục hậu quả trong thời gian tạm nghỉ. Được biết, nhiều bị cáo đã nộp từ trước khi phiên tòa diễn ra, trong khi nhiều bị cáo khác nộp thêm tiền trong quá trình diễn ra phiên tòa.
Trong số hơn 164 tỷ đồng được cáo trạng xác định, trước phiên xét xử hôm nay (17/7), tổng cộng 54 bị cáo đã nộp khoảng 60 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả. Riêng cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng nộp khoảng 16 tỷ đồng; trong khi cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nộp xong khoảng 2 tỷ đồng số tiền khắc phục hậu quả.
Trải qua 4 ngày xét hỏi, nhiều bị cáo tỏ ra thành khẩn nhận tội, đồng thời xin tòa xem xét khi lượng hình. Tuy nhiên, chỉ còn bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên đang phủ nhận toàn bộ mọi tội danh cáo buộc và kêu oan. Ngoài ra, Giám đốc Công ty Thái Hòa – bị cáo Trần Minh Tuấn mong tòa xem xét khi cho rằng chỉ “có động tác làm như mình đã đi hối lộ”.
Theo cáo trạng và diễn biến phiên tòa, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, lợi dụng chủ trương đưa công dân về nước cách ly, các bị cáo đã có hành vi đưa, nhận hối lộ với số tiền lớn (hơn 164 tỷ đồng) để xin cấp phép các “chuyến bay giải cứu”. Điều này khiến chi phí cho mỗi công dân về nước bị đội lên.