Tại Đại hội cổ đông Vingroup thường niên diễn ra vào sáng 11/5, ông Phạm Nhật Vượng đánh giá về thời cơ vàng để xe VinFast có thể chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng thương hiệu.
Thời cơ vàng cho xe điện VinFast
Mối quan tâm chính của cổ đông Vingroup tại Đại hội cổ đông Vingroup thường niên lần này chính là câu chuyện xe điện VinFast.
Trong đó, có cổ đông hỏi về lượng xe đặt hàng của VinFast có như kỳ vọng cũng như chiến lược bán hàng của Vingroup. Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng cho biết số lượng đơn đặt hàng năm nay đã đạt 4.000, phù hợp với kế hoạch sản xuất là 17.000 xe xuất xưởng.
Ông Phạm Nhật Vượng còn nhận định, đây là thời cơ vàng để xe VinFast có thể chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng được thương hiệu. Ông khẳng định, nguồn cung xe trên thị trường hiện rất khan hiếm nên “chỉ cần VinFast có hàng tốt là có thể bán được”.
Ông Phạm Nhật Vượng trả lời về mối quan tâm của cổ đông Vingroup
Về kế hoạch của VinFast khi nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất pin như lithium đang mỗi ngày càng trở nên khan hiếm, ông Vượng thừa nhận rất nhiều nguyên liệu khác ngoài lithium bị thiếu như coban, niken. Tuy nhiên, Vingroup đã lập ra các nhóm vật liệu chiến lược, tính toán phương án dự trữ lâu dài.
Theo chia sẻ của ông Vượng, Vingroup hiện chưa gặp phải vấn đề này do quy mô sản xuất nhỏ. Nhưng nếu tăng số lượng thì đây cũng trở thành yêu cầu cấp thiết. Vingroup hiện đã tìm các đầu mối hợp tác để đặt mua khối lượng lớn trong dài hạn.
Trung Quốc – công xưởng thế giới đang gián đoạn cung ứng do Covid-19. Ông Vượng cho rằng điều này gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp bởi một phần linh kiện nhập từ thị trường này. Chưa kể, nhiều nhà máy của Đức, Mỹ, châu Âu tại Trung Quốc đã đóng cửa. Trong khi mỗi chiếc ôtô được tại nên bởi khoảng 3.000-4.000 linh kiện, thiếu một con ốc cũng không thể xuất xưởng nên gây ra áp lực rất lớn.
Vingroup không muốn chỉ phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài nên muốn thúc đẩy chiến lược nội địa hoá linh kiện. Theo đó, tập đoàn đang đưa ra các ưu đãi lớn như miễn tiền thuê đất, nhà xưởng trong 10-15 năm… để mời các nhà sản xuất linh kiện, chip về Việt Nam mở nhà máy.
Dù đã xây nhà máy tại Mỹ nhưng ông Vượng nói, do nhà máy ở Mỹ công suất chỉ 150.000 trong khi kế hoạch bán hàng tại Mỹ là 750.000 xe vào năm 2026 xe nên khoảng 600.000 xe điện bán tại Mỹ sẽ được sản xuất ở Việt Nam.
Nói về lợi thế của VinFast với các ông lớn trên thế giới, ông Vượng tự tin vào khả năng cạnh tranh của thương hiệu đến từ quốc gia chưa có nền công nghiệp phát triển – khi bán xe tại Mỹ, châu Âu… Ông tự tin về chất lượng xe. Điều này được ông khẳng định tại Đại hội cổ đông năm ngoái rằng xe VinFast có đầy đủ tính năng như Tesla.
Tiếp đó, giá cả của xe VinFast ông Vượng cho là hợp lý. Cuối cùng, các chính sách hậu mãi cho khách hàng tốt.
Ngoài ra, chiến lược marketing của VinFast theo chia sẻ của ông Vượng là trực tiếp. Nười tiêu dùng sẽ được trải nghiệm sản phẩm một cách thực tế thông qua các triển lãm. Dù biết đây là thách thức lớn nhưng ông nói “chúng tôi sẽ thực hiện được kế hoạch của mình”.
Được biết, sau khi rơi vào cảnh lỗ sau thuế hợp nhất 7.558 tỷ đồng vào năm 2021 do chi phòng chống Covid-19, dừng sản xuất xe xăng, năm 2022, tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 140.000 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp vào khoảng 6.000 tỷ đồng.