Dù vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh công khai số tiền kêu gọi quyên góp từ thiện cho miền Trung vào chiều 17/9 nhưng trên mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật.
Đáng chú ý, một tài khoản Facebook đã đăng tải thông tin và tài liệu nghi vấn Thủy Tiên nợ hơn 17 tỷ đồng vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, khi làm từ thiện, Thủy Tiên đã trả hết nợ. Điều này càng khiến người dùng mạng hoài nghi về nguồn tiền Thủy Tiên đang dùng để trả nợ quá nhanh.
Trên mạng xã hội lan truyền thông tin Thủy Tiên nợ 17 tỷ, sau đó làm từ thiện để trả
Trước thông tin gây xôn xao và bàn tán, luật sư Phan Vũ Tuấn – Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam thay mặt Thủy Tiên khẳng định thông tin tín dụng (khoản nợ xấu 17 tỷ) bị quy kết là của ca sĩ Thủy Tiên và hiện đang được lan truyền trên mạng xã hội không có giá trị pháp lý vì không đảm bảo tính xác thực về nguồn cung cấp lẫn thông tin được đưa ra. Ca sĩ Thủy Tiên không có văn bản đồng ý cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào khác được quyền khai thác thông tin sản phẩm tín dụng của mình.
“Thông tin tín dụng”, được hiểu theo quy định tại Khoản 1 và 4 Điều 3 Nghị định 58/2021/NĐ-CP là các dữ liệu, số liệu, dữ kiện liên quan của tổ chức, cá nhân được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng hoặc được tổ chức tham gia khác cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản, mua hàng trả chậm, trả dần, cầm đồ có điều kiện về lãi suất, thời hạn, tiền thuê, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ.
Điều 21 Nghị định 58/2021/NĐ-CP đã liệt kê rõ những đối tượng được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng, gồm:
– Chính khách hàng có thông tin tín dụng;
– Cơ quan, tổ chức khác với mục đích hợp pháp do pháp luật quy định và phải kèm theo điều kiện là phải có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng đó (Khoản 6 Điều 10 Thông tư 03/2013/TT-NHNN)
Từ những quy định đã nêu, có thể thấy thông tin tín dụng bị quy kết là của ca sĩ Thủy Tiên và hiện đang được lan truyền trên mạng xã hội không có giá trị pháp lý.
Bởi lẽ, thông tin tín dụng đó không đảm bảo tính xác thực về nguồn cung cấp lẫn thông tin được đưa ra. Ca sĩ Thủy Tiên không có văn bản đồng ý cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào khác được quyền khai thác thông tin sản phẩm tín dụng của mình.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, việc cung cấp, trao đổi thông tin tín dụng, cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng khi chưa được sự đồng ý tại thỏa thuận với khách hàng vay, không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đối với những thông tin sai sự thật, bịa đặt gây ảnh hưởng đến ca sĩ Thủy Tiên, luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết, phía ông đã, đang và sẽ tiếp tục thu thập những chứng cứ cần thiết để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật. Bởi lẽ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rằng danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Người có hành vi bịa đặt hay loan truyền những thông tin sai sự thật nhằm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị buộc phải bồi thường thiệt hại, xin lỗi, cải chính công khai. Trong trường hợp hành vi nghiêm trọng đến mức vi phạm pháp luật hình sự, người đó sẽ còn chịu chế tại phạt tiền hoặc phạt tù cho đến 07 năm theo Điều 156 Bộ luật Hình sự về tội vu khống. Do đó, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, phía Thủy Tiên sẽ cân nhắc sử dụng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
Luật sư cho biết đã thu thập và sẽ tiếp tục thu thập các chứng cứ cần thiết để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những người bịa đặt thông tin ảnh hưởng đến ca sĩ Thủy Tiên theo quy định của pháp luật.