PUMA mạnh dạn nâng triển vọng doanh thu bất chấp những thách thức như việc đóng cửa các nhà máy ở Việt Nam hay tình trạng thiếu container vận chuyển.
PUMA đã đưa ra lời thông báo với người tiêu dùng hãy mua sắm sớm trước ngày Lễ Noel vì sự tắc nghẽn nguồn cung cũng như gián đoạn sản xuất sẽ khiến các mặt hàng của PUMA sẽ bị thiếu hụt trầm trọng.
Ngay cả khi tập đoàn tăng chỉ số triển vọng doanh thu trong năm 2021, thế nhưng việc đóng cửa các nhà máy ở Việt Nam cùng với việc khó khăn trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm của họ.
Việc đóng cửa nhà máy Việt Nam – nơi cung ứng 1/3 sản phẩm cho PUMA sẽ gây thiệt hại tới nguồn cung trong năm nay và quý đầu tiên của năm 2022, câu chuyện sẽ nghiêm trọng hơn khi vấn đề tắc nghẽn cảng và thiếu nhân lực vận chuyển diễn biến tồi tệ.
Giám đốc điều hành, ông Bjorn Gulden cho biết họ sẽ tiếp tục hoạt động sản xuất tích cực vào cuối tháng 11 sau khi mở cửa lại nhà máy.
PUMA đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III tốt hơn dự kiến, đồng thời đặt hy vọng về doanh thu tại Trung Quốc sẽ tốt hơn, mặc dù trước đó, 1 cuộc tẩy chay của người tiêu dùng với các thương hiệu phương Tây nổ ra gây gắt trong năm 2021.
Chi phí nguyên liệu thô tăng cao, nguồn cung ứng “đuối” trong khi nhu cầu tăng mạnh sẽ có thể khiến giá sản phẩm tăng cao trong nửa cuối năm 2022. “Nếu bạn muốn mua quà Giáng sinh, bạn nên mua ngay bây giờ”, Gulden nói trong một cuộc họp báo trước các phóng viên.
Về tình hình kinh doanh, doanh số bán hàng trong quý III của PUMA đã tăng 20,4% đạt 1,9 tỷ euro (2,21 tỷ USD), trong khi lợi nhuận hoạt động tăng lên 229 triệu euro, vượt xa dự báo của các nhà phân tích.
Cổ phiếu Puma đã tăng 1,8% vào lúc 08h45 giờ địa phương), trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong rổ blue-chip tại Đức.
Vào tháng trước, đối thủ Nike Inc (NKE.N) đã cắt giảm triển vọng doanh thu trong năm tài chính 2022 và đổ lỗi cho sự gián đoạn rủi ro của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh số bán hàng của Puma tăng 31% ở châu Mỹ và 22% ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Doanh số bán hàng trong thời gian 3 tháng (tháng 7,8,9) tăng vọt 98% đến 44.1 triệu USD – gần gấp đôi thu nhập so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu tăng 8,3% đến 1.11 tỷ USD với mặt hàng giày dép là loại bán chạy nhất.
Nhưng chỉ số này chỉ tăng 1,7% ở châu Á-Thái Bình Dương do ảnh hưởng của việc người dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa phương Tây (doanh số bán hàng giảm 16%) và thị trường Nhật Bản chưa thoải mái bởi ảnh hưởng của Covid-19.
Nhà phân tích James Grzinic của Jefferies cho biết: “Thu nhập quý III của PUMA đã đánh giá năng lực và sức mạnh của 1 thương hiệu ở thị trường phương Tây”.
Các thương hiệu phương Tây, bao gồm cả PUMA đang phải đối mặt với cuộc tấn công trực diện từ phía người tiêu dùng sau tuyên bố rằng họ sẽ từ chối sử dụng bông Tân Cương vì quan ngại về tình trạng lao động cưỡng bức và nạn phân biệt đối xử đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Phía chính phủ Bắc Kinh phủ nhận việc “cưỡng ép lao động” ở Tân Cương và tái khẳng định đây là những lời “dối trá bôi nhọ” nước này của các tổ chức chống Trung Quốc.
Bjorn Gulden cho biết PUMA vẫn chưa thể hợp tác lại với những người nổi tiếng Trung Quốc, lưu lượng mua sắm tại các cửa hàng vẫn giảm. Tuy nhiên, ông chủ PUMA bày tỏ sự lạc quan sự kiện “Ngày độc thân” của Trung Quốc vào tháng 11 sẽ thay đổi phần nào cục diện.
PUMAđã tăng dự báo kỳ vọng tăng trưởng doanh thu cả năm đạt ít nhất 25% so với dự báo trước đó là 20% và đặt niềm tin doanh thu hàng năm sẽ tăng gấp đôi đạt mốc 10 tỷ euro (11,71 tỷ USD) trong dài hạn.
Các quan điểm và ý kiến được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác.
Zoe Nguyen (Nguồn Reuters)