Gia đình đại tá phi công lái trực thăng Bell 505 gặp tai nạn, rơi tại Vịnh Hạ Long được Bảo hiểm PVI đã tạm ứng chi trả bồi thường số tiền là 50.000 USD, tương đương 1,18 tỷ đồng.
Bảo hiểm PVI báo cáo việc giải quyết bồi thường vụ rơi trực thăng Bell 505
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thông tin, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã báo cáo về việc giải quyết bồi thường sự cố tàu bay Bell 505 rơi tại vịnh Hạ Long và ngày 5/4.
Theo đó, PVI cho biết doanh nghiệp hiện cung cấp các chương trình bảo hiểm cho Công ty Trực thăng miền Bắc – Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH). Trong đó, đơn vị cung cấp 2 đơn bảo hiểm, gồm có: Đơn bảo hiểm thân trách nhiệm hàng không và bảo hiểm tai nạn cho tổ bay.
Liên danh PVI – Bảo hiểm Bảo Việt – Bảo hiểm Quân đội cấp đơn bảo hiểm thân trách nhiệm hàng không, trong đó PVI làm nhà bảo hiểm đứng đầu cho toàn bộ đội tàu bay và trách nhiệm hàng không của VNH. Thời hạn bảo hiểm tính từ ngày 21/4/2022 đến ngày 20/4.
Phạm vi bảo hiểm bao gồm: Bảo hiểm trách nhiệm chung (giới hạn trách nhiệm chung cho cả tổn thương thân thể, thiệt hại tính mạng cho hành khách, tổn thất, thiệt hại tài sản đối với bên thứ ba) là 30 triệu USD/sự cố; Bảo hiểm thân tàu bay Bell 505 là 1,652 triệu USD (mức miễn thường 5% giá trị tàu bay); Đơn bảo hiểm tai nạn cho tổ bay với mức trách nhiệm là 200.000 USD/người được bảo hiểm.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm chia sẻ: “Đối với bảo hiểm trách nhiệm chung, việc thanh toán bồi thường theo phạm vi bảo hiểm trách nhiệm của VNH đối với hành khách tử vong sẽ căn cứ theo thỏa thuận giữa VNH và thân nhân hành khách”.
PVI trước mắt đã tiến hành tư vấn cho VNH về việc tạm ứng trước cho thân nhân hành khách một khoản tiền nhằm chi trả cho các công việc liên quan trong quá trình tìm hiểu nguyện vọng cụ thể từ phía gia đình.
Trong khi đó, với bảo hiểm tai nạn cho tổ bay, PVI ngày 7/4 đã tạm ứng chi trả bồi thường 50.000 USD (tương đương 1,18 tỷ đồng) cho gia đình phi công điều khiển trực thăng Bell 505. Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan, 150.000 USD còn lại sẽ được chi trả.
Bảo hiểm chi trả cho hành khách trong vụ rơi máy bay trên vịnh Hạ Long thế nào?
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, với hành khách, loại bảo hiểm mà VNH mua khác biệt so với bảo hiểm tai nạn cho phi công, gọi là bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng trực thăng với khách hàng.
Lý giải về điều này, cơ quan quản lý cho biết, hãng bảo hiểm là đơn vị gián tiếp bồi thường cho hành khách. “Công ty trực thăng VNH có trách nhiệm pháp lý với hành khách theo quy định của Luật Hàng không; còn bảo hiểm PVI là bên đứng ra bảo hiểm cho trách nhiệm đó của VNH”, cục cho biết.
Đối với bảo hiểm thân tàu bay, việc thanh toán bồi thường theo phạm vi bảo hiểm thân tàu bay sẽ được thực hiện sau khi có kết luận nguyên nhân tai nạn của cơ quan có thẩm quyền và VNH hoàn tất các chứng từ cần thiết theo quy định tại đơn bảo hiểm.
Ngoài ra, đơn bảo hiểm cũng có điều khoản chi trả cho các chi phí tìm kiếm cứu nạn và các chi phí hợp lý khác để giảm thiểu thiệt hại do vụ tai nạn trên cơ sở hóa đơn chứng từ hợp lệ. Hiện tại VNH chưa có yêu cầu cụ thể về việc tạm ứng bồi thường thân tàu bay và các chi phí liên quan. PVI sẽ chi trả bồi thường cho VNH trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, chiều ngày 5/4 máy bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 cất cánh từ đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã gặp sự cố làm 4 hành khách và 1 phi công thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Theo Bộ Tài chính, năm 2021, PVI đã giải quyết bồi thường bảo hiểm 3,5 triệu USD tổn thất toàn bộ thân máy bay cho máy bay trực thăng EC-130T2 số hiệu VN-8632 thuộc Trung tâm Huấn luyện bay (Công ty Trực thăng miền Nam, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam). Máy bay này bị tai nạn trong quá trình bay tập tại Vũng Tàu ngày 18/10/2016.