PYN Elite báo lỗ trong tháng 2
PYN Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 2 với quy mô danh mục đạt hơn 857 triệu Euro, tương ứng hơn 1 tỷ USD, cho thấy, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan này ghi nhận hiệu suất đầu tư âm trong tháng 2 trong bối cảnh căng thẳng Nga và Ukraine tạo ra sự phân hóa lớn giữa các nhóm cổ phiếu của Việt Nam.
Thành tích của PYN Elite so với VN-Index
|
Kết thúc tháng 2, mặc dù VN-Index tăng nhẹ 0,76% so với tháng trước nhưng hiệu suất đầu tư của PYN Elite Fund lại âm 2,85% do đà giảm giá mạnh của 2 cổ phiếu ngân hàng.
Hiệu suất đầu tư của PYN Elite trong giai đoạn 2012-2022 |
Cụ thể, cổ phiếu HDB và CTG lần lượt giảm 7% và 10% so với tháng 1. Cổ phiếu dòng “bank” kém sức hút đối với nhà đầu tư trong bối cảnh căng thẳng Nga và Ukraine tạo ra sự phân hóa lớn giữa các nhóm cổ phiếu của Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi của ngành năng lượng (+10%) và ngành vật liệu (+12%) trong tháng qua, trái ngược với đó là sự thoái lui của nhóm ngành tài chính (-2,3%) và ngành bất động sản (-2,7%) qua do căng thẳng Ukraine-Nga làm giá hàng hóa tăng chóng mặt.
Ảnh hưởng từ xung đột Nga và Ukraine
Quỹ ngoại này nhận định, mặc dù CPI tháng 2 tăng 1.0% so với tháng trước do giá xăng dầu tăng, lạm phát so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức ổn định, chỉ ở mức 1,42%. Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch đang trên đà phát triển, với PMI sản xuất 54,3 trong tháng 2 từ mức 53,7 trong tháng 1, được thúc đẩy mạnh hơn bởi nhu cầu của khách hàng và các đơn đặt hàng mới tăng cao. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với năm trước và vốn FDI giải ngân 2 tháng đầu năm cũng tăng 7,2% so với năm trước.
Việt Nam sẽ chỉ chịu tác động trực tiếp từ chiến tranh Nga-Ukraine ở mức tối thiểu vì tổng giá trị thương mại giữa 2 nước này với Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, cuộc xung đột này không mang lại nhiều rủi ro đáng kể cho Việt Nam. Đầu tư từ các quốc gia này vào Việt Nam cũng không nhiều nên không gây ra áp lực giảm vốn FDI, cạn kiệt dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Về hàng hoá, giá dầu và khí đốt thế giới tăng không phải là yếu tố quan trọng đối với Việt Nam – quốc gia có sản lượng nguyên liệu thô nhiều đủ đáp ứng tiêu thụ.
Vì vậy, áp lực lạm phát trong năm nay vẫn có thể kiểm soát được xung quanh mục tiêu 4% của Chính phủ, vì các thành phần liên quan đến năng lượng (không bao gồm điện) chỉ chiếm 5% trong rổ tính CPI.
Trong cập nhật quan điểm mới đây, ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ này đánh giá, nếu cuộc chiến Nga-Ukraine tồi tệ và kéo dài hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những ngày tồi tệ hơn trong thời gian tới dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt trong năm 2022.
Trong trường hợp tình hình lắng dịu, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng điểm với những tin tốt về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ và châu Âu sẽ có tạo ra những bất ổn cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.