Nhiều ngân hàng tìm đủ mọi cách để rao bán nợ, thu hồi tiền, giảm thiểu tỉ lệ nợ xấu nhưng vẫn ế ẩm dù đã hạ giá kịch sàn.
Nợ xấu xấp xỉ 8%
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 6/2021, nếu tính cả nợ cơ cấu, nợ xấu đã lên tới 7,21%. Trong khi đó, cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu này chỉ ở mức 5,08%.
Nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66%. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73%, cao hơn so với cuối năm 2020 (1,69%).
Con số 7,21% của hệ thống mới chỉ tính đến hết tháng 6. Trong khi đó giai đoạn khó khăn nhất kể từ đầu năm đến nay lại rơi vào 3 tháng của quý III/2021. Như vậy, nếu tính cả 3 tháng gần nhất, con số nợ xấu được cho là sẽ cao hơn nhiều.
Ảnh hưởng của Covid-19 đến ngân hàng là rõ rệt nhất, đặc biệt về tốc độ tăng trưởng tín dụng, nợ xấu… Các khách hàng đang có dư nợ tại ngân hàng đang bị ảnh hưởng nặng nề, khả năng trả nợ khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu tăng trong năm nay là khó tránh khỏi.
Theo đánh giá của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, xu hướng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng và tác động sang cả năm 2022 do độ trễ của các tác động từ đại dịch. Dự kiến, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn và nợ đã cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu của cuối năm nay sẽ xấp xỉ 8%.
Ngân hàng đại hạ giá rao bán nợ “khủng”
Các ngân hàng tìm cách rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ngay cả trong khoảng thời gian xã hội đang giãn cách. Hành động này được cho là để tránh “cú sốc” nợ xấu trong những năm tới. Tuy nhiên, việc thanh lý tài sản không hề dễ dàng.
Ngày 8/10, VietinBank Bắc Hà Nội thông báo bán đấu giá khoản nợ lần 7 của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường để xử lý, thu hồi nợ vay.
Lần thứ 7 này, giá khởi điểm hơn 27,7 tỷ đồng, không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ. Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế VAT.
Chỉ chưa đầy 10 ngày kể từ lần rao bán thứ 6, mức giá khởi điểm đã giảm 2,3 tỷ đồng.
Phía ngân hàng thông tin, tài sản bảo đảm cho khoản nợ này gồm nhà xưởng và toàn bộ các công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền trên đất, hình thức sử dụng riêng, đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn sử dụng đến ngày 27/9/2060.
Được biết, VietinBank tính từ đầu tháng 10 đến nay liên tiếp rao bán, đấu giá 9 món tài sản có giá trị lớn.
Cùng hoàn cảnh, BIDV cũng thông báo lần thứ 5 đấu giá khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy. Giá khởi điểm trong lần đấu giá này là 693 tỷ đồng, giảm 61,8 tỷ đồng so với lần đấu giá thứ 4 vào cuối tháng 7. So với lần rao bán đầu tiên, mức giá đã giảm 342 tỷ đồng.
Tính đến 7/6, tổng dư nợ của Tập đoàn Khải Vy tại BIDV là 1.035 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 409 tỷ đồng, dư nợ lãi là hơn 626 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV cũng rao bán một số các khoản nợ khác nhiều lần nhưng chưa thể thanh lý như tài sản đảm bảo của Công ty CP Thúy Đạt (42 lần), Công ty TNHH May Thêu Hoàng Long(6 lần).
Cùng tình trạng, Vietcombank cũng rao bán các món nợ đại hạ giá nhưng chưa tìm được người mua như việc rao bán lần thứ tư đối với lô đất 443 m2 tại số 91 Hồ Xuân Hương, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và 77 máy điều hòa nhiệt độ với giá khởi điểm 74,3 tỷ đồng, giảm gần 30% so với giá rao bán lần đầu.
Mộc Miên (T/h)