Renault đã thực hiện chuyển giao toàn bộ cổ phần hãng đang nắm giữ trong AvtoVAZ sang cho chính phủ Nga với giá tượng trưng chỉ có 1 rúp.
Nhà sản xuất ô tô Pháp Renault đã đạt được thỏa thuận nhượng lại 68% cổ phần của mình trong nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nga cho đơn vị do chính phủ Nga hậu thuẫn với giá một rúp và quyền chọn mua lại cổ phần của mình trong sáu năm.Sự việc này đánh dấu việc quốc hữu hóa lớn đầu tiên kể từ khi bị phương Tây áp lệnh trừng phạt sau chiến dịch quân sự tại Ukraine.
“Hôm nay, chúng tôi đã đưa ra một quyết định khó khăn nhưng cần thiết; và chúng tôi đang đưa ra lựa chọn có trách nhiệm đối với 45.000 nhân viên của mình tại Nga, ”Giám đốc điều hành Renault Luca de Meo cho biết.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng Thương mại Nga Denis Manturov cho biết Renault sẽ vẫn có cơ hội giành lại quyền kiểm soát AvtoVAZ trong 5-6 năm tới, nếu muốn; nhưng không phải với giá 1 rúp. Công ty nghiên cứu ô tô NAMI của Nga sẽ tiếp nhận 68% cổ phần của Renault.
Ngoài việc chuyển giao cổ phần, nhà máy của Renault ở Moscow, nơi sản xuất cả xe Renault và Nissan cũng sẽ được bán cho chính quyền thành phố.
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết Renault đã quyết định đóng cửa nhà máy ở thủ đô.
“Đây là quyền của công ty, nhưng chúng tôi không thể cho phép hàng nghìn công nhân bị bỏ lại mà không có việc làm”, Sobyanin nói, đồng thời cho biết ông quyết định tiếp tục sản xuất ôtô chở khách mang thương hiệu Moskvich từ thời Liên Xô.
Với lượng cổ phần lớn như vậy, Renault là thương hiệu tới từ phương Tây tiếp xúc nhiều nhất với Nga. Trước sức ép từ các chính phủ cũng như lệnh trừng phạt của phương Tây vào Nga, Renault gặp khó trong việc duy trì hoạt động.
Ngay khi cuộc xung đột bắt đầu, Renault cố gắng duy trì các hoạt động của mình ở Nga đồng thời tìm cách rời khỏi. Tuy nhiên, hiện tại, Renault thực hiện động thái này vì không có khả năng duy trì các hoạt động của mình ở Nga. Chính quyền Ukraine cũng đã gây áp lực lên Renault, đồng thời kêu gọi tẩy chay xe của hãng này cho đến khi hãng này rút khỏi Nga.
Thỏa thuận của Renault cho thấy việc cắt đứt quan hệ với Nga đã trở nên tốn kém như thế nào. Trong 15 năm qua, nhà sản xuất ô tô Pháp đã đầu tư hàng tỷ euro vào Nga, biến nước này trở thành thị trường lớn thứ hai của Renault sau châu Âu, với khoảng nửa triệu xe được bán ra năm ngoái.
Renault và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chịu áp lực thoái vốn khỏi Nga kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2, dẫn đến làn sóng trừng phạt của phương Tây nhằm cắt Moscow khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt chuỗi cung ứng, khiến các công ty nước ngoài khó hoạt động ở Nga.
Trước đó, BP thông báo bán bớt 19,75% cổ phần tại công ty dầu khí Rosneft của Nga sau 30 năm hoạt động tại nước này. Việc rút lui này có thể khiến hãng dầu khí Anh BP mất trắng 25 tỷ USD. “Ông lớn” dầu lửa Anh Shell ước tính thiệt hại khi rút khỏi Nga có thể mất tới 25 tỷ USD chi phí.