Ripple có vẻ như là dự án mới tham gia vào “cơn sốt” NFT, với việc thông báo thành lập quỹ Creator Fund trị giá 250 triệu USD nhằm đầu tư vào các dự án NFT trên XRP Ledger.
Cụ thể, Ripple cho biết sẽ cung cấp cho các nhà sáng tạo NFT và nền tảng mua bán nguồn tài chính, ý tưởng sản phẩm và hỗ trợ tài chính. Bên cạnh đó, công ty đã hợp tác với agency sáng tạo VSA Partners và các marketplace NFT mintNFT và Mintable.
Ripple khẳng định hoạt động phát hành NFT trên XRP Ledger sẽ có chi phí thấp, đồng thời còn có thêm các công dụng như là “quyền sở hữu tương tác” và “phân mảnh quyền sở hữu”. XRP Ledger sắp tới sẽ công bố một sàn giao dịch phi tập trung, nơi người dùng có thể mua bán token để lấy XRP và nhiều đồng tiền khác.
NFT (Non-Fungible Token) hay token không thể thay thế là một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain – công nghệ sử dụng chữ ký số để xác nhận tác phẩm gốc và người sở hữu tác phẩm. Nhờ đặc tính này, NFT trở thành loại tài sản độc nhất vô nhị, không thể sao chép hay làm nhái.
Hiểu đơn giản, NFT là một mục nhập trên một blockchain – công nghệ sổ cái kỹ thuật số phi tập trung làm nền tảng cho các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin.
Dù thị trường NFT hiện đang tăng giá, không thể phủ nhận rằng nó chủ yếu mang tính đầu cơ. Điều quan trọng mà nhà đầu tư cần hiểu về NFT là thị trường này còn rất non trẻ. NFT sẽ còn phải trải qua các chu kỳ thăng trầm khác nhau nhằm thiết lập giá trị thực của chính mình.
Ripple (XRP) đang vướng rắc rối lớn với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Theo SEC, XRP của Ripple giống như là một loại chứng khoán chứ không đơn thuần như các loại tiền điện tử thông thường khác. Bởi vậy, SEC đã cáo buộc công ty Ripple bán chứng khoán mà không thực hiện các thủ tục đăng ký với SEC.
Ngoài ra, SEC kiện đồng sáng lập của R.P đã thu lời hơn 1,3 tỷ USD từ việc bán XRP. Theo SEC, trong khoảng thời gian từ 2013 đến nay, các nhà quản lý của Ripple đã bán XRP cho nhà đầu tư và thu về khoản tiền khổng lồ. Trước tình hình trên, SEC cho rằng Ripple và người điều hành đã vi phạm các quy định của luật chứng khoán khi đã tự động bán XRP mà không đăng ký qua SEC.
Ripple đang cố gắng nỗ lực để chiếm ưu thế. Trong 1 tuyên bố cũ, theo nhóm pháp lý của Ripple, XRP giống như Bitcoin hoặc Ethereum – mà cơ quan quản lý đã phân loại là hàng hóa hơn là 1 sản phẩm chứng khoán.
R.P kiên quyết bảo vệ quan điểm và quyền lợi vô tội của mình đồng thời yêu cầu SEC đưa ra bằng chứng rõ ràng hơn để chứng minh những cáo buộc của mình là đúng. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, Ripple không phải là thành viên duy nhất vướng vào vòng kiện tụng với SEC.
Ngoài Ripple, SEC đã từng kiện các công ty khác như EOS, Telegram,… Kết quả của những vụ kiện này là các công ty đều phải thực hiện nộp phạt hoặc là đóng cửa.
Các quan điểm và ý kiến được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác.
Zoe Nguyen (Tổng hợp)