Một trong những cách đề phòng rủi ro chính là mua bảo hiểm. Vậy, trong bảo hiểm, rủi ro là gì? Chúng được phân loại như thế nào?
Trong cuộc sống, bên cạnh may mắn chúng ta thường đề cập đến rủi ro trong tất cả mọi lĩnh vực. Từ sinh hoạt hàng ngày cho đến công việc, hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong bảo hiểm, rủi ro là gì? có khác so với rủi ro trong đời sống hàng ngày không?
Rủi ro là gì?
Rủi ro hiểu một cách đơn giản là khả năng xảy ra một sự việc không mong muốn, gây ra thiệt hại, hậu quả hoặc kết quả không mong đợi. Nói một cách dễ hiểu, rủi ro là sự không may mắn.
Nguyên nhân gây ra rủi ro có thể đến từ chủ quan hoặc khách quan. Cụ thể như sau:
Nguyên nhân khách quan:
- Do thiên nhiên: Dịch bệnh, bão lũ, hạn hán…
- Mặt trái của sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ. Dù tạo cho con người có cuộc sống thuận lợi, hiện đại nhưng làm tăng các nguy cơ như tai nạn lao động, giao thông, ô nhiễm môi trường…
- Rủi ro liên quan đến những vấn đề chính trị, xã hội như chiến tranh, khủng bố…
Nguyên nhân chủ quan:
- Sự bất cẩn của con người
- Lỗi từ người thứ 3
- …
Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì rủi ro khi xảy ra thường là những điều không may khi gây ra tổn thất về mọi mặt, nặng là tính mạng, sức khỏe con người, nhẹ là tài sản, thu nhập…
Đánh giá mức độ rủi ro
Khả năng phát sinh, gây tác hại của mỗi rủi ro là khác nhau. Vì vậy, thông qua tần suất xuất hiện của rủi ro cũng như mức độ nghiêm trọng của nó, bạn có thể đánh giá được mức độ rủi ro nặng hay nhẹ.
Tần suất xuất hiện rủi ro được hiểu là số lần nó có thể xuất hiện trong 1 khoảng thời gian nhất định hay thời gian trung bình xuất hiện các rủi ro.
Mức độ nghiêm trọng của rủi ro được đo bằng tính khốc liệt của tổn thất. Nói cách khác, nó chính là hậu quả trực tiếp rủi ro gây ra. Khi gặp rủi ro, mỗi đối tượng khác nhau sẽ phải chịu những tổn thất khác nhau.
Phân loại rủi ro trong bảo hiểm
Trong quản trị rủi ro thì bảo hiểm là một cách thức. Nó nằm trong nhóm biện pháp tài trợ rủi ro. Người ta sử dụng bảo hiểm để đối phó với những rủi ro có tổn thất. Trong đó, tổn thất thường về tài chính, nhân mạng. Nói một cách khác, có rủi ro mới có bảo hiểm. Vậy trong bảo hiểm, rủi ro được phân loại như thế nào?
Trong hợp đồng bảo hiểm, rủi ro thông thường sẽ được chia thành 2 nhóm chính, gồm có rủi ro được bảo hiểm và rủi ro không được bảo hiểm
Rủi ro được bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chấp nhận bảo hiểm cho các rủi ro này, có thể kể đến như tai nạn, thiên tai, sự cố… Khi bị thiệt hại về những rủi ro này, đối tượng được bảo hiểm sẽ được bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài ra trong các hợp đồng bảo hiểm còn có liệt kê những rủi ro bị loại trừ, những rủi ro không bị loại trừ mặc nhiên là những rủi ro được bảo hiểm.
Rủi ro không được bảo hiểm
Rủi ro loại trừ chính là rủi ro không được bảo hiểm. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không chấp nhận bảo hiểm, bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi chúng xảy ra. Trong số những rủi ro không được bảo hiểm có những loại chắc chắn bị loại trừ như việc người tham gia bảo hiểm cố ý tạo ra rủi ro.
Loại trừ bảo hiểm đối với một số trường hợp như:
- Người tham gia bảo hiểm hoặc người được hưởng quyền lợi bảo hiểm cố tình tạo rủi ro, gây thiện hại.
- Thiệt hại người tham gia bảo hiểm phải nhận liên quan đến thảm họa như chiến tranh, sóng thần, động đất, núi lửa phun…
- Những thiệt hại gián tiếp như giảm sút giá trị thương mại
- Người mua bảo hiểm chịu hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của phóng xạ, nhiễu phóng xạ từ một vụ nổ nguyên tử hay sử dụng năng lượng nguyên tử, chất liệu phóng xạ hạt nhân…
Các công ty bảo hiểm hiện nay thường hay điều chỉnh phạm vi rủi ro để sản phẩm bảo hiểm có thể phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của đối tượng. Việc này nhằm giảm bớt chi phí cũng như phù hợp với khả năng tài chính của người tham gia bảo hiểm.
Thực tế, bất cứ cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp thì đều đứng trước rủi ro trong cuộc sống. Vì thế, nếu được thì mọi người đều nên tham gia các sản phẩm bảo hiểm. Điều này sẽ giúp bảo vệ họ về mọi mặt trong cuộc sống.