Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2022, ghi nhận doanh thu 9.066 tỷ đồng – tăng 25% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, Công ty ghi nhận 3.086 tỷ lợi nhuận gộp, tăng hơn 36% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện đáng kể lên 34%.
Theo SAB, doanh thu cải thiện nhờ Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng phong toả với việc mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế và nhu cầu tiêu dùng hồi phục; trong khi năm ngoái bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19.
Khấu trừ chi phí, SAB ghi nhận lãi ròng 1.668 tỷ đồng – tăng mạnh đến 67% so với cùng kỳ. Được biết, đây là quý thứ 4 SAB lấy lại đà tăng trưởng sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 (trước đó là Nghị định Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Lợi nhuận nhanh chóng lấy lại đỉnh cao với 1.668 tỷ đồng trong quý 2/2022: Cao nhất 4 năm qua
Thậm chí, lợi nhuận quý 2 năm nay đánh dấu mốc tăng trưởng vượt mức trước đại dịch và đạt đỉnh 4 năm. Theo SAB, không chỉ hồi phục hậu Covid-19, lợi nhuận Công ty tăng trưởng còn đến từ chính sách tăng khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, cũng như các biện pháp giảm chi phí, hạn chế tối đa ảnh hưởng của giá đầu vào…
Luỹ kế nửa đầu năm, Công ty ghi nhận 16.424,5 tỷ doanh thu, tăng 25% và LNST 3.029 tỷ đồng – tăng hơn 1.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2021. So với kế hoạch 34.791 tỷ doanh thu và 4.581 tỷ LNST, nửa đầu năm SAB đã lần lượt thực hiện được 47,2% chỉ tiêu doanh thu và hơn 66% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nhiều công ty bia thành viên cũng báo lãi tăng mạnh, đơn cử Bia Sài Gòn – Miền Trung (SMB) báo lợi nhuận nửa đầu năm tăng 40% lên 109 tỷ đồng, Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi (BSQ ), Bia Sài Gòn – Hà Nội (BSH ), Bia Hà Nội – Hải Dương (HAD )… thậm chí tăng gấp đôi lợi nhuận nhờ giá bán sản phẩm, tiêu thụ tăng (bù đắp chi phí nguyên liệu tăng và tiết kiệm trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh).
Dưới góc nhìn giới phân tích, SSI Research trong báo cáo mới đây cho biết tỷ suất lợi nhuận gộp của Sabeco vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát, nhờ Công ty đã ký hợp đồng mua dài hạn cho các nguyên vật liệu chính và giá bán bình quân đã tăng thêm gần 10% trong 3 quý qua.
Chủ động đón đầu sự hồi phục của thị trường
Cùng với đó, SSI Research cũng nhấn mạnh triển vọng thời gian tới, khi ngành thực phẩm đồ uống là một lựa chọn đầu tư trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 (do giãn cách xã hội chặt chẽ trong quý 3/2021) và bình thường hóa từ nửa cuối năm 2023.
Ngoài ra, giá các nguyên vật liệu đầu vào chính có xu hưởng điều chỉnh giảm trong các quý tới giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thực phẩm đồ uống có cơ hội tăng lên hoặc duy trì khả năng phục hồi vào năm 2023.
Tương tự, quan điểm của Chứng khoán MBS cũng đồng tình sự mở cửa cho hoạt động du lịch và giải trí sau quãng thời gian dài giãn cách xã hội từ đầu năm nay đã và đang đem lại sự hồi phục và tăng trưởng tích cực cho ngành bia Việt Nam.
Trong đó, khách hàng có tâm lý mua sắm và giải trí nhiều hơn để bù lại quãng thời gian dịch bệnh hạn chế tiêu dùng. Thị trường bia có thể quay về sản lượng tiêu thụ của thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019) bắt đầu từ năm 2023.
Sớm đón đầu sự hồi phục của thị trường, SAB đã có những chiến lược cải thiện thị phần từ quý 3/2021. Sau đại dịch do nền kinh tế và sản xuất kinh doanh chưa hồi phục hoàn toàn, ảnh hưởng tới thu nhập của người dân, xu hướng tiêu dùng cũng thiên về tiết kiệm hơn, là thời cơ để phân khúc phổ thông và cận cao cấp đẩy mạnh thị phần.
SAB còn được kỳ vọng có thêm thị phần với các chiến lược marketing như tung sản phẩm trẻ trung và năng động, tham gia tài trợ và tổ chức nhiều sự kiện (Sea Games 31, Tổng cục Du lịch, thỏa thuận độc quyền với Liên đoàn bóng đá Việt Nam) để tiếp cận thêm người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Giới phân tích đặc biệt nhấn mạnh việc SAB tập trung phát triển ở phân khúc chủ lực của mình thay vì cố gắng cạnh tranh với Heineken ở phân khúc cao cấp là một chiến lược hợp lý và khôn ngoan hơn, do phân khúc phổ thông vẫn có sản lượng tiêu thụ cao nhất tại thị trường Việt Nam, và SAB vẫn có ưu thế vượt trội cả về thương hiệu, quy mô sản xuất và hệ thống phân phối so với 2 đối thủ Habeco và Carlsberg ở phân khúc này.
Thị phần bia Việt năm 2021
Trong khi phía đối thủ chính hiện nay là Heineken, đang tập trung khai thác phân khúc cao cấp. Có thể nói, thương hiệu Heineken được định vị như một thương hiệu cao cấp đối với người dân. Heineken đã thống trị từ lâu với các sản phẩm như Tiger Crystal hay Heineken, Heineken Silver vốn đã rất quen thuộc với người tiêu dùng và đặc biệt là các bạn trẻ, nồng độ cồn thấp, dễ uống. Hệ thống phân phối của Heineken cũng thâm nhập sâu rộng đến các tỉnh thành, đưa sản phẩm cao cấp tới nhiều đối tượng khách hàng hơn, so với các hãng bia ngoại chỉ tập trung tại các thành phố lớn.
Dù không đấu trực diện, tháng 4/2022, SAB cũng đã khởi động lại dòng bia Saigon Special trứ danh của hãng với thiết kế bao bì mới và hương vị đột phá theo công nghệ mới. Trong đó, Saigon Special cùng Saigon Chill (dòng sản phẩm ra đời vào tháng 10/2020, là dòng bia được lên men lạnh cạnh tranh trực tiếp với Tiger Crystal) là những sản phẩm chủ lực ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp của SAB, hướng tới mở rộng thị phần ở những phân khúc cao.