Bahamas là nơi sàn FTX đang đặt trụ sở chính. Cảnh sát tài chính tại đây đang làm việc với cơ quan quản lý chứng khoán địa phương để điều tra hình sự sàn giao dịch này.
Chính quyền Bahamas điều tra hình sự sàn FTX
Sau khi nền tảng FTX sụp đổ, gây ra tác động mạnh mẽ đến thị trường tiền mã hóa. Hồi tuần trước, FTX đã nộp đơn phá sản. Thông cáo báo chí phát ra cho biết, FTX tự thấy nộp đơn xin phá sản là “phù hợp để giúp FTX Group có cơ hội đánh giá tình hình của mình, cùng với đó là phát triển một quy trình nhằm tối đa hóa khả năng phục hồi cho các bên liên quan”.
CEO Sam Bankman-Fried ngay sau đó cũng từ chức. John J. Ray III là người tiếp quản vị trí đầu tàu thay thế Sam Bankman-Fried. Theo sự hứa hẹn của tỷ phú tiền số một thời này, ông sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi của sàn FTX.
Sàn giao dịch FTX của Sam Bankman-Fried đang bị cơ quan thực thi pháp luật Bahamas tiến hành mở rộng điều tra.
Theo đó, một nhóm thuộc Chi nhánh Điều tra Tội phạm Tài chính của khu vực tài phán đang tiến hành hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Bahamas. Trong một thông báo chính thức ngày 13/11, động thái này nhằm điều tra xem có hay không hành vi hình sự.
Ủy ban Chứng khoán Bahamas hôm 10/11 đã ra thông báo về việc đóng băng tài sản của FTX Digital Markets, đồng thời, tổ chức này đã đệ đơn lên tòa án để tìm kiếm một đơn vị thanh lý đại diện cho FTX.
Được biết, các cơ quan quản lý tài chính ở Bahamas đã và đang theo dõi một cách sát sao quá trình tố tụng. Trong khi sàn FTX cho phép một số khách hàng bahamian thực hiện rút tiền từ sàn theo yêu cầu của pháp luật thì Ủy ban Chứng khoán lại ngay lập tức phủ nhận việc chỉ đạo FTX khôi phục chức năng rút tiền cho người dùng cư trú trên đảo quốc này.
Nhiều tổ chức vào cuộc sau cú sập của sàn FTX
Ngay sau một bài báo của CoinDesk, FTX đã bắt đầu rơi vào khủng hoảng khiến cho tình hình tài chính của công ty chị em Alameda Research cũng trở thành một nỗi lo ngại. Binance – sàn giao dịch đối thủ sau đó bất ngờ tuyên bố sẽ giải cứu bằng việc mua đứt FTX. Tuy nhiên thỏa thuận này sau đó nhanh chóng bị hủy bỏ.
Sàn giao dịch này hiện đang tìm kiếm bảo hộ phá sản ở Mỹ. Nhưng ở diễn biến mới nhất, phát ngôn viên của Nhà Trắng, Bộ Tư pháp Mỹ, SEC hay CFTC đều đã bình luận về vụ việc hoặc vào cuộc điều tra về sự sụp đổ của sàn FTX.
Sau khi FTX tuyên bố phá sản và CEO Sam Bankman-Fried từ chức, xuất hiện tin đồn ông chủ sàn đang chạy trốn ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, Sam đã phủ nhận tin đồn trên Twitter.
Cựu giám đốc điều hành sàn FTX nói rằng ông vẫn đang ở Bahamas, nơi công ty đặt trụ sở chính. Ông còn phủ nhận việc “bí mật” chuyển 10 tỷ USD tiền của khách hàng từ FTX cho công ty thương mại Alameda Research của mình cũng như việc triển khai một “cửa sau” trong hệ thống sổ sách kế toán của FTX.
Có thông tin cho rằng ít nhất 1 tỷ USD tiền của khách hàng FTX đã biến mất có thể do lỗ hổng tài chính. Bankman-Fried không đưa ra câu trả lời khi được hỏi về số tiền còn thiếu.
Bankman-Fried, 30 tuổi, hiện đã từ chức Giám đốc điều hành sàn FTX.