Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hoàn tất dự thảo sửa đổi Nghị định 24, trong đó có đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng và trình trước ngày 15/7.
Chuẩn bị nới lỏng thị trường vàng
Theo Công điện số 66 về tăng hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ – tài khóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp các bộ ngành đẩy nhanh việc sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý kinh doanh vàng.
Dự thảo mới được xây dựng theo hướng gỡ bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, thay vào đó là kiểm soát bằng hạn mức và cấp phép nhập khẩu từng lần đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện.
Theo đề xuất, doanh nghiệp muốn được sản xuất vàng miếng cần có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, còn với ngân hàng là 50.000 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu dự thảo này phải trình Chính phủ trước ngày 15/7. Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về thị trường vàng và đẩy nhanh tiến độ sửa nghị định theo hình thức rút gọn.

Kể từ khi Nghị định 24 được ban hành năm 2012, thương hiệu SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia, nhưng việc không nhập khẩu vàng nguyên liệu và chỉ một đơn vị được sản xuất khiến thị trường nhiều thời điểm thiếu hụt nguồn cung, đẩy chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới lên rất cao.
Tại cuộc họp hồi tháng 5, Thủ tướng nhấn mạnh thị trường vàng đang bị thao túng, đầu cơ, găm hàng và buôn lậu, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Việc sửa nghị định được coi là giải pháp khắc phục các tồn tại kéo dài của thị trường.
Đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và thử nghiệm tài sản số
Cũng trong công điện, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Tài chính và các bên liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa, trình Chính phủ trước ngày 15/7.
Bên cạnh đó, cơ quan điều hành tiền tệ được giao nhiệm vụ tiếp tục theo sát biến động kinh tế trong – ngoài nước, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm chi phí vốn để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng.
Riêng với chương trình tín dụng nhà ở xã hội cho người dưới 35 tuổi, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy nhanh giải ngân. Hiện lãi suất chương trình đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh xuống còn 5,9%/năm – mức ưu đãi áp dụng đến hết 2025.
Về phía tài khóa, Bộ Tài chính được yêu cầu đánh giá kỹ tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ với Việt Nam, nhằm kịp thời đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng.
Mộc Miên (Tổng hợp)