Vốn hóa thị trường “bốc hơi” hơn 53 tỷ USD
Nửa đầu năm 2022, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 4 đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến đợt giảm mạnh và chỉ xuất hiện lực cầu bắt đáy không quá mặn mà khi chỉ số để mất mốc 1.200 điểm. Sau 6 tháng, VN-Index ghi nhận mức giảm 20% trong khi HNX-Index mất đến 41,4% còn UPCOM-Index cũng giảm 21,4% so với cuối năm ngoái.
Thống kê từ Stockq, mức giảm hơn 20% đã đưa VN-Index trở thành một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất Thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022.
VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán “tệ” nhất thế giới từ đầu năm đến nay
Theo số liệu từ Bloomberg, tại mức điểm chốt tháng 6 là 1.1976 điểm, định giá P/E VN-Index chỉ còn 13 lần. Trong khi mức đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 6/2021, P/E của thị trường từng ở mức hơn 19 lần. Mức P/E hiện tại cũng thấp hơn nhiều mức trung bình 10 năm là 15 lần.
Vốn hóa toàn thị trường tương ứng giảm hơn 1,22 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 53,3 tỷ USD trong đó riêng sàn HoSE đã mất 1,08 triệu tỷ đồng, khoảng 49,6 tỷ USD.
VN-Index để mất hơn 20% trong 6 tháng đầu năm 2022 |
Hơn một nửa số vốn hóa thị trường để mất trong 6 tháng đầu năm đến từ nhóm VN30. Trong đó, các tên tuổi lớn đầu ngành ngân hàng, bất động sản, thép… như VHM (-3,76 tỷ USD), VIC (-3,55 tỷ USD), HPG (-3,39 tỷ USD), GVR (-2,5 tỷ USD), TCB (-2,21 tỷ USD), MSN (-1,84 tỷ USD), CTG (-1,62 tỷ USD), NVL (-1,32 tỷ USD), VPB (-1,31 tỷ USD), VNM (-1,29 tỷ USD) đều đã mất hàng tỷ USD vốn hóa.
Hầu hết những cổ phiếu mới gia nhập câu lạc bộ tỷ USD vào năm ngoái cũng phải rời đi như THD, DIG, VND, GEX, MSR, LPB, MML, NLG, VCI, FOX. Tính đến hết tháng 6, toàn sàn còn 52 cổ phiếu có vốn hóa trên 1 tỷ USD trong đó riêng HoSE đã đóng góp 43 đại diện. HNX chỉ có duy nhất KSF lọt vào danh sách trong khi UPCOM có đến 8 cái tên góp mặt với một số doanh nghiệp có vốn Nhà nước như ACV, VGI, BSR, VGI hay MVN.
Thanh khoản về mức thấp nhất trong 1 năm trở lại
Không chỉ giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE ghi nhận trong tháng 6/2022 chỉ đạt 13.182 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây và giảm 57% so với đỉnh ghi nhận tháng 11/2021 với gần 31.000 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản HoSE sụt giảm 57% so với đỉnh ghi nhận vào tháng 11/2021
Trong báo cáo mới phát hành của Chứng khoán Everest, công ty chứng khoán này dự báo, tình trạng thanh khoản thấp sẽ tiếp tục được duy trì trong bối cảnh (1) Các chính sách thắt chặt tiền tệ đang được áp dụng khiến chi phí vốn tăng cao (2) Thị trường sụt giảm mạnh khiến nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước có tâm lý thận trọng hơn.
Mặc dù số tài khoản mở mới ghi nhận trong tháng 5/2022 đạt đỉnh với hơn 470 nghìn tài khoản mở mới, gấp đôi tháng trước đó và là con số kỷ lục từ trước đến nay trong bối cảnh VN-Index để mất mốc 1.200 điểm, nhưng lịch sử dòng tiền F0 như năm 2020, 2021 đã không thể lặp lại.
Thanh khoản sụt giảm cũng là lúc tỷ trọng giữa các nhóm nhà đầu tư thay đổi. Theo đó, trong tháng 5 nhóm Tổ chức nước ngoài đã vượt lên chiếm tỷ trọng 9,64% – cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Trong khi đó tỷ trọng nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục giảm xuống 82,27% phản ánh tâm lý nghi ngờ cũng như thận trọng hơn. Tính chung 6 tháng đầu năm tỷ trọng nhóm nhà đầu tư nước ngoài giao dịch 6,8% và họ mua ròng gần 3.900 tỷ đồng.
Điểm sáng giao dịch khối ngoại với giá trị mua ròng gần 3.900 tỷ đồng
Giao dịch của khối ngoại được dự báo có thể là xu hướng chủ đạo và là trụ đỡ cho thị trường trong thời gian tới khi lãi suất thực của Việt Nam hiện ở mức dương do lạm phát được kiểm soát và nhiều cổ phiếu đang có mức giá hấp dẫn so với định giá. Bên cạnh đó, nền tảng pháp luật được hoàn thiện hơn trong thời gian qua, gia tăng tính minh bạch đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Rủi ro nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung vẫn đến từ lo ngại lạm phát gia tăng tại các khu vực kinh tế trụ cột của thế giới là Mỹ và EU. Không chỉ lạm phát cao, nền kinh tế các nước này cùng lúc đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp.
Báo cáo thị trường 6 tháng cuối năm mới được phát hành bởi Công ty chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra những nhịp điều chỉnh chung theo thị trường thế giới tuy nhiên sẽ tích lũy phục hồi sau đó, với kịch bản cơ bản chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy trong vùng điểm 1.165 -1.365 với mức P/E forward tương ứng từ 11,4 đến 13,3.