Chiều 28/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, nước ta có một năm điều hành quản lý kinh tế – xã hội thành công.
Trong năm qua chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế. Trong đó, dù 5 năm qua thực hiện chính sách giảm thuế nhiều, nhưng thu nội địa tăng trưởng 9,8%, giảm chi thường xuyên 10% nhờ thực hiện nhiều giải pháp, có cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong thu ngân sách.
Bên cạnh đó, đã có nhiều biện pháp thu ngân sách được triển khai, như xây dựng Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới. Trong 9 tháng đã thu được gần 3.200 tỷ đồng từ 37 tập đoàn công nghệ quốc tế như Google, Microsoft, TikTok… Chống chuyển nhượng, bất động sản phá giá trên 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thành lập quỹ vắc xin gần 11.000 tỷ đồng, còn dư 2.875 tỷ đồng.
Thông tin thêm về thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách khó, song lượng tiền hiện đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước không kỳ hạn là 600.000 tỷ đồng, có kỳ hạn là 290.000 tỷ đồng, tức gần 900.000 tỷ đồng.
Về thị trường chứng khoán, Bộ trưởng cho biết khuyến khích vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Hiện nay dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 12,8% GDP (theo chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán, đến năm 2030 đạt 25%).
“Sắp tới chúng tôi đề xuất sẽ sửa Luật Doanh nghiệp, sửa Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Phớc nói.