Chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể mất đi sự hỗ trợ quan trọng.
Vào sáng ngày 8/7, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bị bắn khi đang có bài phát biểu tại Nara. TBS Television đưa tin ông Abe bị bắn vào phía ngực trái, và dường như cả vào cổ và đang trong tình trạng nguy kịch.
Ngay sau đó, chứng khoán Nhật Bản quay đầu và chỉ còn tăng điểm nhẹ trong khi đồng yên tăng giá. Chốt phiên sáng 8/7, Nikkei 225 tăng 0,49% và Topix chỉ tăng 0,68%. Trước đó cả hai chỉ số này đang tăng hơn 1%. Đồng yên được giao dịch ở mức 135,68 yên đổi 1 USD, so với mức 135,9 yên trước đó.
Tại sao vụ nổ súng vào chính trị gia nghiêm trọng chưa từng có tại Nhật Bản lại khiến đồng yên tăng giá? Một số nhà phân tích chỉ ra rằng ông Abe là người ủng hộ chính sách tiền tệ nới lỏng của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kuroda Haruhiko, và việc ông bị ám sát có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản suy nghĩ về chính sách này.
Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao của Matsui Securities cho biết: “Sự kiện trên có thể mang đến tác động trong trung và dài hạn, thị trường sẽ chứng kiến đồng yên tăng giá và thị trường cổ phiếu giảm giá. Cựu Tổng thống Abe đã ủng hộ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kuroda. Chính sách của ngân hàng có thể sẽ thay đổi vì sự ủng hộ từ ông Abe không còn.”
Tại Hội đồng chính sách kinh tế tại Tokyo ngày 7/6, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda khẳng định thắt chặt tiền tệ không phải là biện pháp “phù hợp” đối với BoJ trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang trong quá trình hồi phục từ đại dịch COVID-19 và tình trạng giá cả hàng hóa leo thang đang làm tăng áp lực suy thoái.
Thống đốc BoJ cho rằng, ngay cả khi lạm phát tại Nhật Bản hồi tháng 4 vừa qua đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái thì điều đó không có nghĩa BoJ đã đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Vì vậy, BoJ chưa từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Việc Cục Dự trữ Liên bang đẩy nhanh việc tăng lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu xác nhận tăng lãi suất đã khiến BOJ đi khác hướng với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Điều này cũng gây áp lực lên ông Kuroda và thử thách quyết tâm của chính phủ trong việc giải quyết sự yếu kém của đồng Yên và sự bất bình của người dân về giá cả tăng.