Các nhà hoạch định chính sách của Singapore đang khá áp lực khi lạm phát lõi của nước này trong tháng 7 leo lên cao nhất trong gần 14 năm.
Lạm phát của Singapore tăng cao trong tháng 7
Cuộc chiến chống lại đà tăng của giá cả dường như đang khá căng thẳng tại Singapore. Cơ quan Giám sát tiền tệ Singapore (MAS) và Bộ Công thương Singapore công bố dữ liệu vào ngày 23/8 cho thấy, không tính giá vận tải cá nhân và nhà ở, lạm phát lõi của nước này trong tháng 7 là 4,8%. Tính từ tháng 11/2008, đây là mức cao nhất.
Tháng 6, lạm phát toàn phần của Singapore ở mức 6,7%. Tuy nhiên tháng 7, nó đã tăng lên 7%, đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.
Theo dự báo của các quan chức của MAS (ngân hàng trung ương kiêm cơ quan giám sát tài chính Singapore), quý 3 lạm phát lõi sẽ đạt đỉnh và sau đó sẽ giảm nhẹ vào cuối năm.
MAS khác với các ngân hàng trung ương trên thế giới khi mà thường dùng tỷ giá thay vì dùng lãi suất cơ bản để làm công cụ chính sách chủ yếu. MAS trong năm nay đã 3 lần thắt chặt chính sách tiền tệ. Tại cuộc họp định kỳ tháng 10 tới hay trước đó trong trường hợp tình hình xấu đi, cơ quan này có thể buộc phải ra quyết định mạnh mẽ hơn nữa.
Nhận định trên Bloomberg, nhà kinh tế về khu vực Asean- Tamara Henderson nói, sau khi tăng 0,9 điểm phần trăm hồi tháng 6 thì thêm một tháng nữa CPI tiếp tục tăng mạnh. Chính điều này sẽ khiến MAS tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tháng 10 tới.
Tháng 7 với nhiều chỉ số “nóng”
Thông cáo vào ngày 23/8 cho thấy, kể từ tháng 7/1980, giá vận tải tháng 7/2022 của Singapore đã tăng lên mức cao nhất. Trong khi đó, giá thực phẩm cũng tăng ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2008. Giá điện và khí đốt cũng trong tình trạng tương tự khi chạm ngưỡng cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi và CPI toàn phần lần lượt ở mức 0,6% và 0,2% so với tháng 6.
MAS nhấn mạnh trong thông cáo rằng, lạm phát lõi cả năm nay dự báo là khoảng 3-4%, còn lạm phát toàn phần là khoảng 5-6%.
Tại một sự kiện hôm 21/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói: chi phí sinh hoạt chính là điều mà tất cả mọi người đều bận tâm.
“Trong khi MAS cố gắng đảm bảo tăng cường sức mạnh của đồng nội tệ, Chính phủ đang làm mọi thứ cần thiết, đặc biệt là hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất ứng phó với lạm phát và sẵn sàng hành động quyết liệt hơn nữa nếu tình hình xấu đi”, ông nói.
Việc phải hỗ trợ những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất khỏi áp lực lạm phát đã được Chính phủ Singapore nhiều lần nhấn mạnh trong thời gian qua. Chính phủ nước này đã tung ra một gói hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ Đôla Singapore (1,1 tỷ USD) vào hồi tháng 6, gồm hoạt động chi trả trực tiếp và trợ cấp giá dịch vụ tiện ích cho các hộ gia đình yếu thế.