Số ca nhiễm Covid-19 tăng liên tục trên toàn châu Âu đã làm dấy lên lo ngại, rằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ tại khu vực này sau đại dịch có thể bị đe dọa thêm lần nữa.
Tính đến thời điểm hiện tại, làn sóng Covid-19 mới chỉ có tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro.
Theo dự liệu được công bố vào ngày 23 tháng 11, chỉ số quản lý thua mua từ IHS Markit, thước đo quan trọng của nền kinh tế, đã tăng vào tháng 11, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng vào tháng 10.
Tuy nhiên, những kỳ vọng về tương lai của nền kinh tế đang tối dần. Tuần trước, Áo đã thông báo rằng, quốc gia này sẽ trở lại tình trạng đóng cửa toàn quốc. Số ca nhiễm tăng vọt ở Đức cũng làm dấy lên câu hỏi, liệu đất nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có áp dụng lại các hạn chế sâu rộng hay không.
Theo Ủy ban châu Âu, niềm tin của người tiêu dùng tại khu vực đồng euro đã giảm “rõ rệt” trong tháng 11. IHS Markit báo cáo rằng, kỳ vọng của các công ty trong tháng này đối với sản lượng kinh tế tương lai “đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1”.
Nhà kinh tế Châu Âu tại Ngân hàng Hoa Kỳ, ông Ruben Segura-Cayuela chia sẻ, cần có thêm cơ sở dữ liệu để nhận định những hạn chế ở châu Âu mang ý nghĩa gì đối với nền kinh tế khu vực.
Ông Ruben Segura-Cayuela cũng lưu ý rằng, sau mỗi đợt bùng phát Covid-19, tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế cũng giảm dần, khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng học cách đối phó với tình hình. Ông dự đoán, dựa trên những gì đã diễn ra trong vài tháng qua, ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 mới đến nền kinh tế khu vực sẽ nhỏ hơn trước.
Khó khăn của nền kinh tế Châu Âu
Đại dịch đã ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến nền kinh tế Châu Âu trong năm 2020. Cụ thể, sản lượng kinh tế đã giảm 6,3% trong khu vực đồng euro so với mức giảm 3,4% ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, khu vực này đã phục hồi trong những tháng gần đây, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng vọt. Tổng sản phẩm quốc nội trong khu vực đồng euro đã tăng 2,2% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 so với quý trước.
Ngoài các vấn đề về Covid-19, châu Âu còn phải đối phó với những tác động của suy thoái kinh tế ở Trung Quốc , cũng như lạm phát gia tăng và cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng, có thể làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp và khiến việc sưởi ấm nhà cửa trong mùa đông sắp tới trở nên đắt đỏ hơn. Điều này có thể gây tổn hại đến việc chi tiêu của người tiêu dùng trên phạm vi rộng hơn.
Nhà kinh tế Châu Âu tại Ngân hàng Hoa Kỳ, Segura-Cayuela cho biết thêm rằng, một số yếu tố tích cực của sự phục hồi kinh tế vẫn đang diễn ra. Ví dụ như việc tích lũy tiết kiệm trước đó trong đại dịch đang giúp giảm thiểu tác hại của lạm phát đối với thu nhập của người dân.