Tiền điện tử Squid Game giảm xuống 0 USD sau khi những kẻ lừa đảo đánh cắp hàng triệu đô la từ các nhà đầu tư.
Đội ngũ phát triển Squid Game coin “ôm” 2,1 triệu USD biến mất
Có nghi án về Squid Game coin phá sản, đội ngũ phát triển đồng Squid Game coin đã ôm tiền biến mất khi thông báo dừng dự án.
Trong tuần qua, Squid Game (SQUID) – đồng tiền mã hóa lấy cảm hứng từ bộ phim mới nổi cùng tên, giá SQUID đã tăng hơn 230.000%, đạt mức 2.861,80 USD/đồng theo định giá của CoinMarketCap. Tuy nhiên, trong chiều ngày 1/11, giá SQUID lập tức giảm còn 0,0007926 USD/đồng.
CNN đưa tin, đồng tiền kỹ thuật số dựa trên loạt phim nổi tiếng của Netflix “Squid Game” đang giao dịch ở mức 0 USD. Đồng nghĩa với việc, số tiền 2,1 triệu USD đã bị đánh cắp khỏi tay các nhà đầu tư.
Hiểu đơn giản, những người tạo ra tiền điện tử rút tiền của họ ra để đổi lấy tiền thật, khiến giá trị của tiền điện tử bị giảm xuống.
Vụ lừa đảo được cảnh báo bởi Gizmodo. GIzmodo đã chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một trò lừa đảo khi mà trang web (hiện đã biến mất) của nó chứa đầy lỗi chính tả. Một dấu hiệu cảnh báo khác là các nhà đầu tư có thể mua nhưng không thể bán Squid Game coin.
Theo CoinMarketCap, trước đó, vốn hóa thị trường của tiền điện tử nhỉnh hơn 2 triệu USD. Nhưng CoinMarketCap cũng đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng Squid game coin có thể là một trò lừa đảo.
Netflix (NFLX ) đã thông tin với CNN Business vào tuần trước rằng họ không liên kết với tiền điện tử và từ chối bình luận thêm về vấn đề này.
Còn khi CNN Business liên hệ với các nhà phát triển của dự án SQUID thông qua thông tin liên hệ trên trang web thì không nhận được phản hồi ngay lập tức.
Bình luận về vụ việc này, Antoni Trenchev, đồng sáng lập công ty cho vay tiền mã hóa Nexo, cho biết: “Việc đặt cược vào đúng đồng tiền có thể giúp nhà đầu tư đổi đời. Vấn đề là, những gì đi lên theo một đường thẳng thường tụt xuống như cách tương tự”.
Đáng chú ý, đội ngũ phát triển SQUID trước đó đã có động thái thông báo dừng dự án vì liên tục đối mặt với các âm mưu hack tài khoản Twitter và hợp đồng thông minh. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích dữ liệu on-chain cho rằng, người đứng sau dự án liên tục có động thải “xả hàng” và lấy đi hàng triệu USD.
Henri Arslanian, lãnh đạo và đối tác mảng tiền mã hóa của PwC nêu quan điểm: “Sự thật là rất ít cá nhân đầu tư vào memecoin dành thời gian đọc Sách Trắng hay tìm hiểu dự án. Điều này luôn đi kèm với rủi ro”.
Sự bùng nổ của những đồng tiền điện tử mới
Theo Bloomberg, giá Bitcoin đã tăng gấp 80 lần trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, Chỉ số S&P 500 mới chỉ tăng vỏn vẹn gấp 2 lần. Với biên độ dao động và tỷ suất lợi nhuận lớn, tiền mã hóa đang trở thành kênh đầu tư thu hút đông đảo người chơi hiện nay.
Có thể thấy, sự tăng trưởng nhanh chóng của Bitcoin hay Ether thường khiến mọi người quên đi… quá khứ. Khi mà, có thời điểm giá Bitcoin từng giảm hơn 80% từ đỉnh. Quá trình đó kéo dài cả năm trời từ tháng 12/2017-12/2018. Những diễn biến xảy ra với Dogecoin thời gian gần đây cũng khiến các nhà đầu tư có thể nhìn nhận lại vấn đề.
Đầu tháng 10, hàng loạt memecoin như Dogecoin hay Shiba Inu coin (SHIB) bùng nổ trên thị trường tiền điện tử.
Theo định giá của CoinGecko, Dogecoin ra mắt vào năm 2013 nhưng đã tăng 10.000% trong năm qua. Còn SHIB, ra mắt muộn hơn vào cuối năm 2020 nhưng vẫn tăng trưởng 90.000.000%. Chỉ tính riêng trong tháng 10, giá SHIB đã tăng 800%.
Những kẻ cơ hội có khả năng tạo ra hàng loạt tiền mã hóa ăn theo các sự kiện nổi bật khác nhau trong thế giới tiền mã hóa. Vì thế, trên CoinGecko, không khó để bắt gặp sự xuất hiện của các đồng coi liên quan đến chú chó Shiba Inu có tên Floki của tỷ phú Elon Musk như Floki Inu, Floki Musk, Shiba Floki, Baby Moon Floki, FlokiSwap hay FlokiMooni.
Nhiều quan điểm cho rằng, những dự án với bản chất “ăn xổi” đang khiến hàng loạt dự án tiền mã hóa được đầu tư thời gian và công sức bị lấn át.
Cát Anh