Starlink – dịch vụ internet vệ tinh của SpaceX đang lên kế hoạch tiến vào các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, trước khi mở rộng sang các quốc gia như Việt Nam vào năm 2023, dự án này chuẩn bị có màn chào sân tại Philippines.
Cuối tháng 5 vừa qua, “ông trùm” của SpaceX – Elon Musk đã vui vẻ tuyên bố trên Twitter rằng:
“Starlink được Philippines chấp thuận”.
Dòng tweet cũng được gắn kèm liên kết, thể hiện rằng dịch vụ internet vệ tinh của Musk đã được cơ quan quản lý viễn thông Philippines thông qua.
Sau đó, trong một số retweet, CEO SpaceX cũng không giấu được sự phấn khích và chia sẻ Starlink sẽ ra mắt tại Philippines trong vài tháng tới.
So với những khu vực khác, Đông Nam Á được coi là một trong những nơi không chỉ nghèo về kinh tế mà còn chậm về tốc độ internet của châu Á.
Sự ra mắt của Starlink tại khu vực này sẽ mang đến cho người dùng Đông Nam Á trải nghiệm internet nhanh chóng hơn.
Về phía SpaceX, họ cũng thể hiện rõ rệt tham vọng của mình trong việc mang Starlink tấn công thị trường Đông Nam Á. Theo kế hoạch, Starlink sẽ được giới thiệu trước tiên tại Philippines trong năm nay, sau đó đến Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Myanmar vào khoảng năm 2023.
Tại sao Starlink được triển khai tại Đông Nam Á?
Không phải ngẫu nhiên Đông Nam Á lại lọt vào mắt xanh của Elon Musk, với một khu vực có nhiều đảo như vậy, lợi thế cho việc triển khai dịch vụ internet tương đối cao.
Điển hình như Philippines, quốc gia này hiện có hơn 7.000 hòn đảo lớn nhỏ, so với cáp quang biển, mạng vệ tinh dễ dàng tiếp cận các hòn đảo nằm ở xa hơn.
So với dịch vụ internet tại các đơn vị khác trong khu vực, Starlink tự hào mang đến trải nghiệm internet đạt tốc độ tải xuống từ 100 đến 200 MB/giây.
Một lợi thế nữa giúp Đông Nam Á trở thành miền đất hứa của Starlink là cư dân tại đây dành nhiều thời gian cho internet.
Theo dữ liệu của We Are Social vào năm 2021, người Đông Nam Á dành thời gian sử dụng internet hàng ngày cao hơn so với mức trung bình trên toàn thế giới (7 tiếng).
Để thể hiện chiến lược ủng hộ phát triển internet vệ tinh, Philippines đã điều chỉnh hệ thống pháp luật để tạo cơ chế giúp các công ty nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này.
Ramon Lopez, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines chia sẻ:
“Hệ thống Internet vệ tinh giúp tăng cường tốc độ băng thông hiện có, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân, thương mại điện tử và fintech hoạt động dễ dàng hơn”.
Một điểm hạn chế của dịch vụ internet vệ tinh là giá cả. Trong khi chi phí trung bình cho một gói internet ở Philippines hiện tại chỉ vào khoảng 300 peso (5,67 USD) thì gói cước internet của Starlink có giá lên đến 500 USD.
Vì vậy, dịch vụ internet vệ tinh chỉ được lên kế hoạch sử dụng tại các địa điểm xa xôi cũng như các cơ quan chính phủ, quân đội và các phương tiện truyền thông như một phương tiện dự phòng khẩn cấp.