Trước khi thuộc diện giám sát tài chính, “sức khỏe” tài chính của Vietlott khá lành mạnh, lợi nhuận tăng trưởng đều và không nợ vay.
Bộ Tài chính có kế hoạch giám sát một loạt doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã lập kế hoạch giám sát một loạt doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu.
Cụ thể, mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước về việc giám sát vốn đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Được biết, hoạt động này nằm trong kế hoạch giám sát tài chính năm 2023 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc sở hữu của Bộ Tài chính.
Các đơn vị chịu sự giám sát là: Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC); Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX); Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott); Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH); Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Cơ quan chức năng sẽ thực hiện giám sát trực tiếp (kiểm tra tại doanh nghiệp) và giám sát gián tiếp (thông qua báo cáo tài chính, thống kê, các báo cáo khác theo quy định). Giám sát các nội dung như việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp…
Đồng thời giám sát cả việc thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật lao động cũng được giám sát…
Vietlott khá “khỏe mạnh” trước khi bị giám sát
Trong số các doanh nghiệp thuộc diện giám sát có Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott). Trước khi rơi vào diện giám soát, Vietlott có sức khỏe tài chính khá ổn.
Cụ thể, Vietlott trong 4 năm gần nhất (2019-2022) đều đạt tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu năm gần nhất (2022) tăng 22% đạt 4.959 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt mức 208 tỷ đồng (tăng 30%).
Phần lớn lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh. Công ty không ghi nhận lãi, lỗ do không có đầu tư ngoài ngành. Vietlott các năm đều có khoản tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng lớn, vì vậy lợi nhuận tài chính được ghi nhận đều đặn.
Đáng nói, Vietlott không có khoản nợ vay tài chính. Các chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 40,6% và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức 17,8%, đều khá cao.
Suốt 5 năm qua, mỗi năm công ty này hầu như đều nộp vào ngân sách hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế.