Kể từ hôm nay (23/9), quyết định tăng trần lãi suất huy động, tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu sẽ có hiệu lực.
Lãi suất huy động, lãi suất điều hành được điều chỉnh ra sao?
Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh loạt lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi. Được biết, đây là lần đầu tiên sau 2 năm, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tăng loạt lãi suất điều hành, gồm có trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn. Các quyết định này có hiệu lực từ 23/9.
Cụ thể, trần lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên mức 5% một năm. Kỳ hạn này ở quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng là 5,5% một năm.
Trần lãi suất đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng được nâng từ 0,2% lên 0,5%/năm.
Hai loại lãi suất điều hành khác, gồm có lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, tương ứng ở mức 5%/năm và 3,5%/năm.
Ngoài ra, tại các tổ chức tín dụng, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước tăng từ 5% lên 6%/năm.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh loạt lãi suất sau khi Fed tăng lãi suất
Động thái của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ đã có lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Việc tăng loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã phát ra thông điệp rằng, nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại không còn rẻ, thêm vào đó là hạn chế thanh khoản tiền đồng trên thị trường.
Tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu gây ra tác động không đáng kể. Tuy nhiên, việc nâng trần lãi suất huy động lại ảnh hưởng trực tiếp đến ngân hàng, doanh nghiệp cũng như người dân.
Trần lãi suất huy động khi nâng lên đồng nghĩa với việc, các nhà băng đang cần vốn phải trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Nói cách khác, nó làm tăng chi phí đầu vào của các nhà băng, có thể khiến cho lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay) tăng theo.
Nhưng, Thủ tướng đã có chỉ đạo và các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu trong việc tiết giảm chi phí, biên lợi nhuận nhằm giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Nhiều chuyên gia trước đó cho rằng, trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất, gây áp lực lên tỷ giá thì Việt Nam khó mà giữ được mặt bằng lãi suất thấp. Tuy nhiên, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital đưa ra dự báo rằng, giai đoạn nửa đầu năm sau, tiền tệ của Việt Nam có thể ổn định hơn, khi mà Fed đã phát tín hiệu về việc có thể ngừng chu kỳ tăng lãi suất ở nửa đầu năm 2023.
Động thái này của Ngân hàng Nhà nước có tác động đến chứng khoán không? theo Dragon Capital, mức lợi nhuận kỳ vọng của thị trường sẽ khó vượt trội. Nhóm phân tích này nhận định rằng, trong ngắn hạn, thị trường sẽ xảy ra nhiều biến động, tùy tình hình diễn biến thế giới.
Tuy nhiên, định giá là yếu tố ủng hộ thị trường. Sau khi kết quả kinh doanh quý III được phản ánh, mức định giá P/E của VN-Index được ước tính sẽ giảm về khoảng 12,1 lần, thấp hơn 2 lần độ lệch chuẩn của hệ số P/E trong thời gian 5 năm qua.
Báo cáo của Dragon Capital nêu quan điểm, mức lợi nhuận kỳ vọng không còn hấp dẫn do nhà đầu tư thường mất mục tiêu dài hạn do những biến động ngắn hạn, sau đó quay lại khi thị trường hồi phục hoặc rất nóng. Do đó, báo cáo còn cho rằng “nhà đầu tư vẫn theo kiên trì theo đuổi kế hoạch tài chính đã đặt ra”.