Thị trường chứng khoán từ đầu năm đã trải qua nhiều biến động trước những rủi ro về suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao cũng như căng thẳng Nga – Ukraine. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam đang thể hiện quá trình hồi phục mạnh mẽ như kỳ vọng, bên cạnh môi trường lạm phát, lãi suất vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát.
Kỳ vọng tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế
Báo cáo mới đây, Chứng khoán Agriseco Research đánh giá quý 2 nền kinh tế phục hồi khá mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực với GDP đạt 7,72% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua kể từ 2011 nhờ sự tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp và đà phục hồi của khu vực du lịch.
Xét trong 2 quý cuối năm, Agriseco Research đánh giá đà tăng trưởng vẫn sẽ duy trì trên mức 7% trong bối cảnh tăng trưởng từ mức thấp năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh tại các vùng kinh tế trọng điểm. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về nửa cuối năm như đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ 6% – 6,5% trong năm nay là khả thi trừ khi xuất hiện biến cố lớn ảnh hưởng mạnh tới các hoạt động thương mại.
Mặc dù, gần đây các tổ chức lớn liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc duy trì tốc độ tăng trưởng như trên là một dấu hiệu rất tích cực khi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Song các tổ chức này vẫn duy trì quan điểm dự báo tích cực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ kinh tế phục hồi nhanh khi tái mở cửa sau dịch.
Theo Agriseco Research, các “đầu kéo” chính của tăng trưởng kinh tế đến từ hoạt động bán lẻ và du lịch nhiều tín hiệu phục hồi sau dịch; Mảng tiêu dùng dự báo sẽ có khả năng sẽ hồi phục trong các tháng tới nhờ sức cầu tiêu dùng hồi phục khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn, hoạt động lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng mạnh khi đường bay quốc tế được mở lại; Tiềm năng thu hút dòng vốn FDI nhờ gói hỗ trợ lãi suất, việc đẩy mạnh đầu tư công và tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam sẽ tiếp đà cho nhiều doanh nghiệp hưởng lợi và nắm bắt cơ hội; Điểm sáng từ xuất khẩu.
Về áp lực lạm phát, chuyên gia cho rằng lạm phát tại Việt Nam có thể tăng nhưng khả năng vẫn đảm bảo kiểm soát dưới 4%. Theo đó, giá nhiên liệu thế giới và giá cả hàng hóa đang hạ nhiệt kỳ vọng sẽ giúp điều tiết lạm phát cả năm 2022 và đảm bảo mục tiêu dưới 4%. Đồng thời, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp điều tiết lạm phát như giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu; tiếp tục giảm tiền điện, nước và học phí.
Triển vọng thị trường các tháng cuối năm và định hướng 2023
Từ những phân tích trên, Agriseco Research giữ nguyên dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022, với mức tăng đạt khoảng 25% – 30% so với cùng kỳ. Động lực đến từ các doanh nghiệp tiếp tục giữ đà hồi phục về lợi nhuận so với mức nền thấp của quý 3 và quý 4/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiêu biểu là các nhóm Dầu khí, Bán lẻ, Thực phẩm đồ uống, Du lịch, Tiện ích. Đồng thời, gói hỗ trợ lãi suất, việc đẩy mạnh đầu tư công và tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam sẽ tiếp đà cho nhiều doanh nghiệp hưởng lợi và nắm bắt cơ hội.
Nhìn nhận về thị trường chứng khoán, đội ngũ phân tích cho rằng sau khi đã giảm khoảng 20% kể từ đầu năm, mặt bằng định giá của thị trường cũng như nhiều nhóm cổ phiếu đang trở nên hấp dẫn, phù hợp cả trong trading ngắn hạn lẫn đầu tư dài hạn.
Tuy vậy, trước những sự kiện bất ngờ đến từ căng thẳng Nga – Ukraine và những thách thức về áp lực lạm phát cũng như chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu, Agriseco Research hạ dự báo đối với VN-Index từ 1.600-1.700 điểm xuống 1.400-1.500 điểm cho cuối năm 2022. Mặc dù vậy, đội ngũ phân tích vẫn lạc quan một cách thận trọng đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển có triển vọng tăng trưởng tích cực nhất. Từ đó, thị trường chứng khoán còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Mặc dù vậy, việc chọn lọc các nhóm ngành và cổ phiếu để đầu tư sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn điểm số của thị trường trong giai đoạn này. Theo đó, đội ngũ phân tích cho rằng nhà đầu tư nên chọn lọc và tập trung vào các nhóm cổ phiếu : (1) Định giá rẻ, (2) Hưởng lợi từ sự hồi phục kinh tế và các chính sách vĩ mô, (3) Phòng vệ lạm phát.