Đây là phần thứ ba của loạt bài về Web 3 gồm bảy phần bao gồm:
- Web 1, 2, 3 là gì?
- Những lợi ích và hạn chế của Web 2
- Tại sao Web 3 lại quan trọng?
- Metaverse là gì?
- Thị trường tiền điện tử
- Đơn giản hóa hệ sinh thái Web3
- Khái niệm cần biết về Web 3
Giá trị của Web 3
Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ phân tích sâu về khả năng tương tác, rào cản gia nhập thấp và phi tập trung của Web 3.
Khả năng tương tác
Nếu bạn muốn chuyển từ Spotify sang Apple Music hoặc ngược lại, bạn sẽ gặp khó khăn khi phải lên lại danh sách phát, lịch sử nghe, bài hát đã thích, v.v. Dữ liệu trong các ứng dụng theo hướng tập trung, lưu trữ với mục đích khóa người dùng. Việc thiếu khả năng tương tác giữa các dịch vụ truyền phát nhạc trên Web 2 khiến người tiêu dùng gặp khó chịu khi chuyển đổi.
Trong khi đó, các ứng dụng Web 3 có khả năng tương tác cao hơn nhiều, bạn có thể chuyển đổi giữa các ứng dụng khác nhau một cách dễ dàng.Khả năng tương tác của Web 3 nhờ bản chất phi tập trung từ việc lưu trữ, trao đổi và quyền sở hữu đối với nhiều thứ như tiền tệ, tài sản và danh tính.
Nếu bạn muốn chuyển từ Uniswap (một sàn giao dịch Web 3 phi tập trung – DEX), bạn có thể thực hiện điều đó một cách dễ dàng vì các dịch vụ Web 3 có thể tương tác với nhau. Bạn có thể chuyển sang Amber, Sushiswap, Bottle Pay hoặc bất kỳ Web 3 DEX nào khác và chuyển tất cả thông tin một cách dễ dàng. Trong các úng dụng Web 3, mọi thứ được gắn với địa chỉ ví. Nói một cách đơn giản, bạn có thể coi đó là một email nhưng có đường dẫn giao dịch công khai và liên kết với tài sản, thông tin bạn từng kết nối.
Mọi thứ được đơn giản hóa bằng nhập địa chỉ ví thay vì trải qua quy trình KYC/AML và quy trình giới thiệu ứng dụng fintech dài dòng.
Rào cản gia nhập thấp
Các nhà phát triển có rào cản gia nhập thấp hơn nhiều khi tạo ứng dụng Web 3 vì dữ liệu đang được chia sẻ ở cấp độ giao thức. Một số giao thức phổ biến nhất được sử dụng ngày nay được sử dụng trong tài chính và giao dịch.
Các giao thức mở và minh bạch nên bất kỳ nhà phát triển mới nào cũng sẽ có quyền truy cập vào cùng một thông tin. Điều này hoàn toàn trái ngược với Web 2 khi các công ty công nghệ lớn lưu trữ dữ liệu với các rào cản gia nhập cao hơn nhiều. Tất cả dữ liệu đang được tổng hợp và lưu giữ trong kho dữ liệu ở lớp ứng dụng cho Web 2, do đó, các rào cản gia nhập sẽ cao hơn đối với việc tạo sản phẩm mới.
Hơn nữa, các nhà phát triển cũng có thể tự tài trợ cho các dự án bằng cách tạo token dự án để huy động vốn thay vì vốn mạo hiểm hoặc tài trợ nợ truyền thống. Sự nổi lên của các DAO (tổ chức tự trị phi tập trung) đang huy động vốn để tài trợ cho các dự án và đổi mới trong lĩnh vực này. Tốc độ phát triển trong ngành này đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy khi một số công cụ ban đầu tập trung vào Web 2 mở rộng sang Web 3 như Vercel (phát triển giao diện người dùng).
Phi tập trung
Web 3.0 được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain. Điểm đặc biệt của Web 3.0 là nó phi tập trung. Thay vì người dùng truy cập internet thông qua các dịch vụ do các công ty như Google, Apple hay Facebook làm trung gian, các cá nhân sẽ tự kiểm soát Internet.
Web 3.0 không yêu cầu một cơ quan trung ương để kiểm soát ai có thể truy cập vào những dịch vụ nào và cũng không cần một trung gian để kiểm soát các giao dịch xảy ra các bên. Thông thường, các cơ quan và trung gian này đang thực hiện hầu hết việc thu thập dữ liệu của người dùng. Vì vậy, về mặt kỹ thuật, Web 3.0 bảo vệ quyền riêng tư của người dùng tốt hơn.
Tài chính phi tập trung, thường được gọi là DeFi, là một thành phần của Web 3.0 đang phát triển mạnh mẽ. Nó đòi hỏi phải thực hiện các giao dịch tài chính trong thế giới thực trên blockchain mà không cần sự trợ giúp của các ngân hàng hoặc chính phủ.
Liệu Web 3 sẽ thay thế Web 2?
Web 3 được coi là bước tiến tiếp theo của Internet, nơi sẽ không còn các máy chủ, và người dùng được quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ. Đa số người ủng hộ Web3 đánh giá các nền tảng trực tuyến hiện tại (Web2) mang tính tập trung quá cao và bị chi phối bởi các công ty công nghệ lớn như Apple, Amazon, Google hay Facebook. Những hãng này lưu trữ vô số dữ liệu và thông tin cá nhân trên khắp thế giới, khiến người dùng khó có thể tin tưởng.
Tuy nhiên, nhiều người không tin rằng Web3 có thể đáp ứng những nhu cầu hiện nay của người dùng vượt qua Web2. Elon Musk, CEO của Tesla, coi Web3 giống như từ ngữ mang tính tiếp thị hơn là một khái niệm mới.
Web3 sẽ dần được đón nhận khi người dùng có những trải nghiệm sâu sắc hơn. Tuy vậy, công nghệ này vẫn cần rất nhiều thời gian để phát triển và tạo đột phá so với các giai đoạn trước đây của Internet.