Không chỉ bán máy bay, Thai Airways còn cắt giảm lao động trong công cuộc tiến hành tái cơ cấu.
Người đứng đầu ủy ban tái cơ cấu của Thai Airways International – Piyasvasti Amranand hôm 1/11 công bố thông tin bán 42 máy bay và đây là những chiếc máy bay loại cũ, không tiết kiệm năng lượng. Sau khi bán, hãng còn lại 58 chiếc máy bay với bốn loại.
Đồng thời, 16 chiếc máy bay mà hãng thuê cũng sẽ được trả lại. Thai Airways cũng sẽ cắt giảm lực lượng lao động từ 21.300 người xuống còn 14.500 người (khoảng 1/3) vào tháng 12/2020.
Ông Piyasvasti Amranand chia sẻ, các quyết định được đưa ra nhằm thu gọn đội bay cũng như giảm chi phí cho Thai Airways. Đại dịch xảy ra khiến hãng hàng không quốc gia Thái Lan gặp nhiều khó khăn và hãng hàng không này đang tiến hành tái cơ cấu.
Theo đó, hãng sẽ ký một thỏa thuận tín dụng trị giá 25 tỷ baht (749,18 triệu USD) với các tổ chức tài chính vào năm tới và đang đàm phán với chính phủ để có thêm 25 tỷ baht nhằm mục đích hỗ trợ dòng tiền.
Kể từ năm 2012, Thai Airways mỗi năm gần như đều thua lỗ. Theo chia sẻ của ông Piyasvasti, trong vài tháng tới, hãng có kế hoạch bổ sung nhiều chuyến bay đặc biệt là từ châu Âu khi du lịch phục hồi.
Ngày 1/11, chính phủ Thái Lan đã mở cửa trở lại du lịch và khách quốc tế tiêm đủ vaccine Covid-19 được miễn cách ly.
Nửa đầu năm nay, Thai Airways ghi nhận lợi nhuận 11,1 tỷ baht (332,63 triệu USD). Tuy nhiên, trước đó, 28 tỷ baht là số tiền lỗ trong 6 tháng đầu năm 2020 của hãng này.
Thai Airways được thông qua kế hoạch cơ cấu nợ
Hồi tháng 5/2020, Thai Airways được thông qua kế hoạch cơ cấu nợ. Theo đó, các chủ nợ của Thai Airways International đã thông qua kế hoạch tái cơ cấu nợ và mở đường giải cứu hãng hàng không này.
Chủ tịch Baker & McKenzie tại Bangkok, cố vấn pháp lý của Thai Airways – Kitipong Urapeepatanapong cho rằng, bước tiến này sẽ mở đường cho việc gia hạn nợ và miễn lãi chưa thanh toán đối với khoản vay ít nhất 170 tỷ baht (5,41 tỷ USD) của hãng.
Trước đó, hồi tháng 3/2021, Thai Airways đã phải đề xuất tạm dừng thanh toán khoản vay trong 3 năm và hoãn trả nợ trái phiếu trong 6 năm.
Nhằm mục tiêu có lãi trở lại, hãng này dự kiến cắt giảm một nửa lực lượng lao động, bán tài sản cũng như tìm cách huy động thêm 50 tỷ baht.
Bởi phải hứng chịu đợt bùng phát dịch Covid-19 đầy mạnh mẽ mà Thái Lan đã phải hạ triển vọng tăng trưởng năm 2021.
Ở một diễn biến cũ hơn vào năm 2020, Chính phủ Thái Lan đã bán cổ phần “cứu” Thai Airways. Thời điểm đó, Bộ Tài chính Thái Lan cho biết sẽ bán 3,17% cổ phần tại Thai Airways để xóa bỏ vai trò doanh nghiệp nhà nước như một phần quan trọng để tái cơ cấu.
Tuy nhiên, việc bán cổ phần để xóa bỏ vai trò doanh nghiệp nhà nước của THAI được cho là còn tồn tại các hạn chế pháp lý, đặc biệt liên quan đến Luật quan hệ lao động doanh nghiệp nhà nước năm 2.000 của Thái Lan. Những hạn chế này cản trở quá trình tái cơ cấu của THAI.
Cát Anh (T/h)