Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV Oil – mã OIL) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với doanh thu đạt kỷ lục 30.412 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Giá vốn tăng nhanh hơn đôi chút khiến biên lãi gộp bị co lại từ 6,2% xuống còn 4,7% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 1.429 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ.
Các chi phí phát sinh trong kỳ (tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp) đều tăng so với quý 2 năm ngoái. Kết quả, PV Oil lãi ròng gần 510 tỷ đồng, tăng 87,5% so với cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 403 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận lớn nhất doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này từng đạt được kể từ khi lên sàn.
PV Oil lãi kỷ lục trong quý 2
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PV Oil ghi nhận 53.700 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2,1 lần cùng kỳ và lãi ròng thu về 793 tỷ đồng, tăng 70,5% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành vượt 19% kế hoạch doanh thu và 27,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Trước PV Oil, một doanh nghiệp dầu khí khác là Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cũng lãi kỷ lục trong quý 2 với lợi nhuận sau thuế đạt 9.910 tỷ đồng, gấp 5,9 lần cùng kỳ. Con số này thậm chí có thể đưa BSR trở thành quán quân lợi nhuận trên sàn chứng khoán trong quý 2, ít nhất là đến thời điểm hiện tại.
Kết quả kinh doanh bùng nổ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu quý vừa qua được hỗ trợ tích cực nhờ giá dầu thế giới và giá xăng trong nước tăng mạnh lên đỉnh 8 năm. Cụ thể, vào trung tuần tháng 6, giá xăng E5RON92 đã tăng thêm 880 đồng/lít lên mức 31.110 đồng/lít trong khi xăng RON95-III cũng đã chạm ngưỡng 32.370 đồng/lít. Dầu diesel cũng tăng 2.630 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít.
Giá xăng, dầu tăng cao giúp các doanh nghiệp thu được thặng dư lớn từ lượng tồn kho giá thấp. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, giá dầu thế giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt và điều chỉnh mạnh sau khi đạt đỉnh. Bên cạnh đó, giá xăng trong nước cũng đang được kiểm soát chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu chống lạm phát. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể sẽ khó duy trì được tăng trưởng cao thời gian tới khi phải trích lập dự phòng cho các khoản tồn kho giá cao.
Tính đến 30/6, tồn kho của PV Oil đã lên đến hơn 5.300 tỷ đồng, gấp đôi thời điểm đầu năm và tăng gần 200 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 1. Công ty cũng đã trích lập dự phòng giảm giá hơn 31 tỷ đồng cho lượng tồn kho trên. Con số này tại thời điểm 31/3 ở mức 22,5 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của PV Oil đã tăng gần 6.500 tỷ so với đầu năm, đạt 33.666 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến hơn 12.800 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu kỳ. Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn ngắn (từ 3 đến 12 tháng) vẫn duy trì quanh mức 8.000 tỷ đồng. Mặt khác, công ty cũng đi vay nợ khoảng 4.400 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.