Đó chính chia sẻ của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong tại hội thảo “Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam” diễn ra đầu tuần này.
Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp là tốt nhưng cần phải tiến hành đúng cách, tránh tình trạng “bắt chuột làm vỡ bình” ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp.
“Là thể chế bậc cao và nhạy cảm bậc nhất của kinh tế thị trường, thị trường chứng khoán như một bình pha lê quý, đang và sẽ tiếp tục cần được gia cố và bảo vệ tốt”, ông Phong nói việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để làm trong sạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng và phát triển thị trường lành mạnh, an toàn, tích cực. Hai yêu cầu này đều cấp thiết, song song với nhau. Tất cả nhằm bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, các hoạt động phát hành, mua bán, chuyển nhượng các chứng khoán nói chung bám sát và đáp ứng tốt với nhu cầu thị trường, bảo đảm tính minh bạch, ổn định, đúng quy định pháp luật, đúng mục đích, đúng nguyên tắc và quy luật kinh tế thị trường; hướng tới mục tiêu ổn định và tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển thị trường vốn nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.
Ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, phải bảo vệ niềm tin của người dân và nhà đầu tư; bổ sung và hoàn thiện về pháp luật và bảo vệ quyền lợi của những nhà đầu tư tài chính. Yêu cầu “đánh chuột không được làm vỡ bình”, xử lý hành vi sai phạm mà không làm ngưng đọng hay đổ vỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản liên quan càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong thời gian tới, khi mà tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản đang bị siết chặt, còn thị trường bất động sản đứng trước nhiều cơ hội bùng nổ, đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần lan tỏa tác động tích cực vào đà phục hồi, tăng sức bật phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô.
Chuyên gia cho rằng thực tế đòi hỏi cần có sự tiếp cận đa chiều và giải pháp đồng bộ để đảm bảo cho thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng phát triển lành mạnh, minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà phát hành.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng: Cần chủ động rà soát và tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế. Đồng thời, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất, cũng như tinh thần Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Thứ hai, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.
Thứ ba, xử lý nghiêm khắc các tin đồn thất thiệt, sai lệch và giả mạo trên thị trường chứng khoán.
Thứ tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan cần thống nhất các giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình phát hành, cũng như giao dịch trên thị trường chứng khoán; tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với những bất cập và rủi ro, phòng ngừa, ngăn chặn các mặt trái của quy luật thị trường, các hành vi đi chệch ra khỏi quy định của luật pháp, các hành động lách luật hoặc lợi dụng thị trường để làm méo mó các quy định pháp luật…
Thứ năm, việc xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán chỉ là cá biệt và riêng lẻ, đây là hành động cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, ổn định thị trường vốn, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Thứ sáu, các cơ quan chức năng cũng cần quán triệt thấu đáo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không lạm dụng, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường chứng khoán; kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng được tạo điều kiện để khắc phục và ổn định sản xuất kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp bất động sản phát triển trở lại, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư cổ đông và việc làm cho người lao động, duy trì động lực phục hồi và phát triển kinh tế…