Jeremy Siegel, giáo sư tài chính tại Trường Tài chính Wharton, người từ lâu đã là nhà lãnh đạo lớn có tiếng nói của Phố Wall, gần đây đã đưa ra cảnh báo rằng có thể thị trường sắp trải qua một đợt điều chỉnh lớn, nhưng điều này không liên quan gì đến khả năng phục hồi của đại dịch. Ông tin rằng điểm mấu chốt lần này sẽ là “Fed sẽ thay đổi mạnh mẽ chính sách của mình để đối phó với lạm phát cao.”
Đợt điều chỉnh lớn sắp đến với thị trường chứng khoán?
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn, “Nếu Fed đột nhiên trở nên cứng rắn hơn, tôi không chắc liệu thị trường có sẵn sàng cho bước ngoặt 180 độ mà Chủ tịch Powell có thể thực hiện hay không. Một sự điều chỉnh lớn sẽ đến.”
Đầu tháng này, Bộ Lao động Mỹ công bố Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,2% trong tháng 10, mức tăng lớn nhất trong hơn 30 năm. Ông Siegel chỉ trích Fed vì đã chậm chạp trong công tác đưa ra các hành động chống lạm phát so với các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới.
Siegel cho biết: “Nhìn chung, do Fed đã không thực hiện bất kỳ biện pháp triệt để nào nên nguồn vốn vẫn đang chảy vào thị trường.”
Ông suy đoán rằng thời điểm quan trọng sẽ xảy ra tại cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 14 – 15 /12. Jeremy Siegel cảnh báo rằng nếu Fed chỉ ra rằng họ sẽ thực hiện các biện pháp tích cực hơn để hạn chế tăng giá, một đợt điều chỉnh lớn trên thị trường là khó có thể tránh khỏi.
Mặc dù vậy, Siegel sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu. “Tôi vẫn đầu tư, bởi vì bạn biết đấy, không có sự lựa chọn nào khác. Tôi nhận thấy trái phiếu đang trở nên tồi tệ hơn. Tiền mặt đang bị xói mòn giá trị cùng với tỷ lệ lạm phát trên 6%, và tôi nghĩ con số này sẽ cao hơn nữa.”
Siegel kỳ vọng rằng việc tăng giá sẽ tiếp tục trong vài năm và tỷ lệ lạm phát tích lũy sẽ đạt 20% đến 25%. Ông nói, “Trong trường hợp này, ngay cả khi thị trường chứng khoán biến động một chút, bạn nên nắm giữ tài sản thực. Hơn nữa, cổ phiếu là tài sản thực. Về lâu dài, tất cả những thứ này sẽ duy trì giá trị.”
Nhưng hãy cẩn thận, ông chỉ ra rằng giá trị của cổ phiếu phụ thuộc vào tình hình hoạt động của công ty. Nền tảng lạm phát trở thành bệ đỡ cho các cổ phiếu công nghệ trong chỉ số Nasdaq. Chỉ số Nasdaq chốt phiên 19/11 hiện đang ở mức cao kỷ lục, lần đầu tiên vượt mốc 16.000 điểm. Lợi suất trái phiếu giảm và lực cầu tài sản an toàn cũng giúp thúc đẩy các cổ phiếu công nghệ lớn, từ đó kéo Nasdaq đi lên.
“Nếu lãi suất tăng, những cổ phiếu có mức định giá cao sẽ phải đối mặt với nguy cơ dòng tiền trong tương lai. Giá của những cổ phiếu như vậy sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi sự điều chỉnh cho phù hợp với tương lai của dòng tiền”, ông nói.
Ngoài ra, nếu quan điểm của Jeremy Siegel về sự thay đổi đột ngột trong chính sách của Fed là đúng, thì cổ phiếu tài chính có thể sẽ quay trở lại. Ông nói, “Cổ phiếu tài chính gần đây đã bị bán tháo do lãi suất giảm. Chúng có thể quay trở lại.”