Trong phiên giao dịch ngày 12/4, thị trường chứng khoán phục hồi sau đợt bán tháo đầu tuần khi các nhà đầu tư đánh giá dữ liệu lạm phát mới của Mỹ trong tháng 3 với chỉ số CPI tiếp tục tăng lên mức cao mới trong 40 năm.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,7% trong khi chỉ số Dow tăng khoảng 130 điểm khi bắt đầu phiên giao dịch. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,1% sau phiên sụt giảm mạnh vào đầu tuần. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ nhưng vẫn vượt mốc 2,7%, mức cao nhất kể từ năm 2019.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 11/4 giảm điểm mạnh do giới đầy tư lo lắng về suy thoái kinh tế do xung đột ở Ukraine, lệnh phong tỏa trên diện rộng ở Trung Quốc do dịch bệnh Covid-19 và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED sẽ mạnh tay tăng lãi suất hơn. Các nhà đầu tư đang chờ đợi mùa thu nhập bắt đầu và dữ liệu kinh tế mới.
Thị trường đang cân nhắc về số liệu lạm phát ở Mỹ mới nhất của Cục Thống kê Lao động đã tăng 8,5% trong tháng 3 so với cùng tháng năm ngoái. Con số này đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981 và sau mức tăng 7,9% vào tháng 2.
Các nhà đầu tư đã lo lắng về lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay để đối phó với nó. Trong phiên bản cuộc họp tháng 3, Fed đã cam kết sẽ hành động quyết liệt để kiểm soát lạm phát và các nhà giao dịch nhìn chung nhận định Fed sẽ nhiều lần tăng lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản trong những tháng tới.
Mặc dù các nhà đầu tư phần lớn đã chuẩn bị cho khả năng Fed sẽ thể hiện bước đi “diều hâu” hơn trong chính sách, nhưng những lo ngại việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể gây ra suy giảm kinh tế liên tục xuất hiện. Ngân hàng Đức Deutsche Bank cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 khi Fed tăng lãi suất. Deutsche Bank là một trong những ngân hàng lớn đầu tiên dự báo về một cuộc suy thoái của Mỹ.