Theo dự kiến, thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam đạt 4,88 tỷ USD vào 2030 với tốc độ tăng trưởng kép trong giai đoạn 2022-2030 đạt 24,1%.
Những dự đoán về thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam
Allied Market Research công bố báo cáo cho thấy, năm 2021, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam đạt 0,71 tỷ USD, dự kiến năm 2030 thu về số tiền 4,88 tỷ USD. Giai đoạn 2022-2030, tốc độ tăng trưởng kép CAGR đạt 24,1%.
Báo cáo này cũng đưa ra phân tích một cách chi tiết về xu hướng thay đổi của thị trường cũng như phân khúc khách hàng, bối cảnh khu vực hay các kịch bản cạnh tranh.
Sự phát triển và mở rộng của thương mại điện tử, thương mại quốc tế, dịch vụ chuyển phát B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) tăng trưởng chính là động lực chính của thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam. Dịch vụ chuyển phát nhanh B2C tại Việt Nam mở rộng trong thời kỳ thương mại điện tử và các hoạt động bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh.
Thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam cũng có nhiều cơ hội tăng trưởng mới nhờ vào việc logistics được đầu tư mạnh mẽ, cùng với đó là sự phát triển của số hóa và các phương tiện giao hàng.
Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường sẽ gặp phải khó khăn do chi phí vận hành cao, trong khi đó cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được sự phát triển.
B2B bị ảnh hưởng của Covid-19, B2C nổi lên
Dựa trên tính ứng dụng, mục đích, điểm đến cũng như khu vực, Allied Market Research đưa ra báo cáo phân tích các chỉ số về thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam.
Thị trường phân thành 2 nhóm dựa trên ứng dụng, gồm: B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp tới khách hàng). Trong đó, chiếm thị phần lớn nhất năm 2021 là phân khúc B2C. Trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2030, phân khúc B2B cũng được dự báo sẽ đạt CAGR cao nhất là gần 25,4%.
Dựa trên mục đích sử dụng, báo cáo chia thị trường chuyển phát nhanh thành nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truyền thông xã hội, dịch vụ tài liệu… Trong đó, năm 2021, phân khúc nền tảng thương mại điện tử chiếm thị phần lớn nhất, đóng góp vào khoảng 4/5 thị phần chung của thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam.
Tuy nhiên, mảng được dự đoán sẽ ghi nhận tăng trưởng cao nhất là dịch vụ tài liệu, khoảng 25,9%, trong giai đoạn dự báo.
Phân loại trên cơ sở điểm đến, thị trường chuyển phát nhanh chia thành nội địa và quốc tế. Tại thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam, phân khúc nội địa đóng góp thị phần lớn nhất. Trong khi đó, phân khúc quốc tế được thiết lập để đạt CAGR cao nhất trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2030, khoảng 25,7%.
Dịch vụ chuyển phát nhanh trên toàn thế giới hoạt động bị chững lại vì sự bùng phát của dịch Covid-19. Đại dịch này đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế nói chung và ngành dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam nói riêng. Dịch vụ chuyển thư, bưu kiện tài liệu đều bị suy giảm khiến cho dịch vụ chuyển phát nhanh B2B đã bị ảnh hưởng, ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, nó lại giúp B2C nổi lên bởi sự phát triển nhanh chóng của ngành bán lẻ trực tuyến cũng như thương mại điện tử.