Có nhiều nguyên nhân chủ yếu để khẳng định thị trường chứng khoán không hề điên, nhà đầu tư không hề khùng, dòng tiền không hề ngốc.
Thường thường sáng thứ bảy tôi hay cùng bạn bè cafe, chém gió chuyện trên trời dưới bể. Nhưng do dịch, sáng nay tôi ở nhà, có gọi điện thoại cùng ông bạn. Thấy nó thều thào, nói giọng méo mó, tôi hốt hoảng hỏi “Mày sắp die à, đừng có nói nhiễm Covid đấy nhé”.
Nó bảo “Covid cái đầu mày, sáng vợ tao làm bánh mỳ, lại nhét cục xà bông vào lò nướng. Tao mới mắng là điên, thế mà nó dữ quá vả tao sưng má luôn. Mà đúng là nó điên quá cỡ còn gì”. Tôi cười ngặt nghẽo “Ai bảo nói nó điên, mày nói tao điên, tao cũng vả cho không còn cái răng húp cháo”.
Điên là tính từ chỉ về hiện tượng mất tự chủ, biểu hiện bênh lý tâm thần, thường gắn với người. Nhưng gần đây chúng ta hay nghe nhiều người mắng “Cái thị trường điên, Nhà đầu tư điên, Dòng tiền điên, …”. Vì các chủ thể bị mắng khá chung chung, ai cũng nghĩ “Chắc nó chửi đứa khác, trừ mình ra”. Vậy thực sự có đúng là chúng ta đang sống ở trong giai đoạn thị trường chứng khoán điên khùng hay không? Vậy có đúng là “Bọn điên” đang đổ hàng ngàn tỷ vào thị trường, vào cái “sới bạc công khai” như ai đó nói hay không?
Cách đây hơn 1 năm khi thị trường chứng khoán Việt nam hòa chung trong bối cảnh thế giới, bị bán tháo và về đến mốc 650, quĩ PYN vẫn nhận định Vn-index sẽ lên 1800. Lúc đó ai cũng nghĩ quĩ này “điên”.
Gần đây nhất khi Vn-index chạm mốc 1200 vào tháng 3/2021, ông Petry Deryng một lần nữa tái khẳng định điều nay, và còn nói rõ hơn cuối năm Vn-index đạt 1500 điểm. Chắc vì ông là Tây, nên nhiều người “sợ” không dám bảo ông điên, hoặc bản thân cũng không hình dung con số 1500 là như thế nào. Để lên 1500 phải vượt qua 1400, để lên 1500 phải có nhiều giai đoạn tăng mạnh mẽ, rồi mới giảm nhịp lại bình ổn hơn. Thông thường nếu đóng cửa năm ở con số 1500, thì sẽ vượt qua con số này rồi điều chỉnh lại.
Có 5 nguyên nhân chủ yếu để khẳng định thị trường chứng khoán không hề điên, nhà đầu tư không hề khùng, dòng tiền không hề ngốc.
Thứ nhất: Lãi suất thấp, Lạm phát chưa hề có dấu hiệu nguy hiểm.
Thứ hai: Do tình hình dịch bệnh, chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất vào lúc này.
Thứ ba: Kỳ vọng vào vacxin khống chế Covid, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6.5% vào năm 2021.
Thứ tư: Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt nhóm ngành Thép, ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí sẽ rất khả quan. Từ đó tạo ra P/E, P/B, khả rẻ và an toàn cho vùng giá quanh Index 1500.
Thứ năm: Chứng khoán đã phát triển cả về chất và lượng, NĐT thế hệ F0 có năng lực tài chính, có kiến thức, sẽ thúc đẩy TTCK tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, dù dòng tiền đổ vào thị trường hiện nay đa số là rất thông minh, nhưng vẫn cần có độ “Tỉnh” nhất định.
Có 3 điều tôi xin được khuyên các NĐT mới và cả các NĐT đã có trải nghiệm nhất định.
Thứ nhất: Hãy “Tỉnh” trong việc quản trị rủi ro, sử dụng Margin hợp lý. Luôn xây dựng kịch bản và cách ứng xử trong các trường hợp khác nhau của thị trường. Đừng bao giờ bị động, mà hãy cố gắng đi trước nửa bước, nhưng đừng đi trước sớm quá.
Thứ hai: Hãy “Tỉnh” trong việc chọn mã. Luôn đặt tỷ trọng lớn cho đầu tư dài hạn, chọn mã phải có kết quả kinh doanh, có tổng tài sản, tức là những thứ sờ mó được, không chọn kỳ vọng. Còn hàng chu kỳ ngắn, ra vào nhanh, không tham.
Thứ ba: Hãy “Tỉnh” trong mục đích kiếm lợi nhuận, tức là tiền thật. Luôn hiện thực hóa lợi nhuận bằng cách rút lãi một phần. Đừng để xảy ra tình cảnh “Lời ảo, lỗ thật”.
Thị trường chứng khoán là thị trường cao cấp nhất của Tài chính. Nó đòi hỏi kiến thức, tư duy, lòng dũng cảm, tính kiên nhẫn, đặc biệt cũng không thể thiếu sự may mắn. Chúng ta đang rất may mắn vì được sống trong thời kỳ mọi thứ đang ủng hộ cho chứng khoán. Nếu mình không biết tận dụng nó, thì đừng mắng nó “Điên”. Tốt nhất hãy “Tỉnh” để điều binh khiển tướng, mang lại thành công cho bản thân và gia đình.
FB Nguyễn Hồng Điệp