Sau khoảng thời gian lình xình vừa qua của thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện đang xuất hiện nhiều quan điểm băn khoăn về việc thị trường sẽ duy trì trạng thái hiện tại đến bao giờ, những ngành nào có thể mang đến tiềm năng kiếm tiền cho nhà đầu tư trong khoảng thời gian tới, trong buổi hội thảo “Triển vọng Thị trường Tài chính, Cơ hội và Thách thức” mới đây, ông Quách Mạnh Hào – giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, người sáng lập QMV Group cho rằng giá trị cổ phiếu dựa rất nhiều vào tâm lý nhà đầu tư cũng như dòng tiền trên thị trường.
Theo ông Hào, trong nửa cuối năm 2020 đến hết năm 2021, có nhiều trường hợp doanh nghiệp lách tín dụng thông qua con đường trái phiếu. Sau đó, khi những phi vụ ngắn hạn thực hiện xong thì tiền cũng không còn ở thị trường chứng khoán bởi doanh nghiệp bắt đầu tất toán trái phiếu trước hạn.
Ông Hào chỉ ra việc tiền không còn khiến cho thanh khoản thị trường cũng như các chỉ số chứng khoán ghi nhận sự điều chỉnh trong thời gian vừa qua, trong thời gian tới, nhà đầu tư cần phải quan tâm đến rủi ro Ngân hàng Nhà nước (SBV) thắt chặt chính sách tiền tệ.
Cũng theo ông Hào, thắt chặt chính sách tiền tệ mới chỉ là rủi ro và hiện ở mức độ tiềm tàng như hút tiền ngắn hạn, không nới room tín dụng chứ chưa thể kết luận được mức độ chính xác đến đâu.
Ông Hào dẫn ra số liệu lần gần nhất cho thấy SBV hút ròng khoảng 170.000 tỷ đồng trên kênh tín phiếu. Ngay sau đó, thanh khoản hệ thống gặp căng thẳng, nhà điều hành cũng buộc phải bơm ròng trở lại qua kênh OMO và để tín phiếu đáo hạn.
Hiện tại, thị trường chứng khoán phản ứng rất nhạy với diễn biến bơm hút trên. Khi tiền bị hút, chứng khoán giảm. Trái lại, tiền được bơm ròng, chứng khoán tăng.
Theo phân tích của ông Hào, với bối cảnh như hiện nay, hành động của nhà đầu tư đa phần sẽ là ra vào nhanh và ngắn. Ông Hào chỉ ra mỗi nhịp sóng lên xuống hiện nay đều có sự góp mặt của nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Nếu nhìn theo góc độ dòng tiền, nhà đầu tư chỉ cần tập trung vào 3 nhóm ngành trên là đã có cơ hội. Ông Hào lưu ý đây chỉ là hướng ngắn hạn theo T+.
Về đầu tư dài hạn, ông Hào cho rằng cần nhìn vào chính sách tiền tệ. Bởi thực tế nếu nhìn vào giai đoạn vừa qua, P/E thấp, doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn không chạy. Việt Nam đã đi trước đón đầu với các giải pháp nhanh chóng như giảm giá xăng, bình ổn thị trường thịt lợn…, đây là tín hiệu tốt để kỳ vọng về mặt chính sách tiền tệ về lâu dài.
Trong giai đoạn tiền khó, ông Hào khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu tốt, đó là các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng bền vững từ 5 năm chứ không phải nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lên xuống thất thường bởi mọi sự đột biến đều tiềm ẩn rủi ro. Với đầu tư ngắn hạn, ông Hào khẳng định nên quan sát về dòng tiền, những ngành xã hội đang quan tâm. Trong các đợt lên điểm của thị trường, luôn có sự góp mặt của nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.
Suy nghĩ “ăn bằng lần” sẽ khiến nhà đầu tư thua lỗ
Không ít chuyên gia tin rằng thời kỳ đầu tư chứng khoán “ăn bằng lần” sẽ không trở lại trong thời gian ít nhất 1,2 năm tới. Ông Trần Lê Minh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital, cũng có quan điểm tương tự.
Ông Minh cho rằng đối với nhà đầu tư mới, giai đoạn hiện tại là thời điểm điều chỉnh kỳ vọng. Lịch sử cho thấy 10 năm vừa rồi lợi nhuận bình quân thể hiện qua chỉ số VN-Index khoảng 12-14%/năm, chính vì vậy trong 2 năm tới, kỳ vọng đặt ra 14%/năm là hợp lý.
“Nếu cứ nghĩ trong đầu là sẽ mua một nào đó rồi x2, x5 lần thì phải điều chỉnh ngay. Chính suy nghĩ này sẽ khiến nhà đầu tư thua lỗ trong thời gian tới. Còn muốn đầu tư chắc chắn, mua mã nào tốt và giữ trong 5 năm chắc chắn có lãi. Mã tốt là việc doanh thu tăng trưởng đều đặn, liên tục trong thời gian dài”, ông Minh khẳng định.
Ông Minh tin rằng trong ngắn hạn ngành điện sẽ nhận được thuận lợi rất nhiều tư hoạt động đầu tư công. “Điều hành kinh tế dựa trên 2 công cụ gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Bao lâu nay chỉ có chính sách tiền tệ thực hiện, còn chính sách tài khoá không dùng mấy. Giờ muốn kinh tế di chuyển nhanh thì phải dùng cả 2, điều này buộc chính sách tài khoá hoạt động nhiều hơn. Nếu đúng như thế, ngành điện chắc chắn hưởng lợi”, ông Minh phân tích.
Nói về triển vọng thị trường, ông Trần Ngọc Báu – nhà sáng lập & CEO của WiGroup cũng đưa ra quan điểm của mình. Ông Báu khẳng định nhà đầu tư sẽ cần phải cẩn trọng hơn trước rất nhiều. Theo ông Báu, nhìn vào tổng thể thị trường, mặc dù đã trải qua quá trình khủng hoảng về thanh khoản trong 2 tháng trước nhưng đến nay thị trường đang lấy lại điểm cân bằng, tin xấu đã không còn; nhưng trong vòng một năm tới sẽ không thể kỳ vọng thị trường sẽ thuận lợi. Nhìn chung, ông Báu tin thị trường sẽ vẫn thiếu tiền và không có biến động mạnh nên nhà đầu tư phải “liệu cơm gắp mắm”.
Ông Báu cho rằng một số nhóm ngành cần chú ý có thể bao gồm vận tải hàng không và cảng biển. Nhìn từ góc độ vĩ mô đơn thuần, trong quý 3, quý 4/2021, Việt Nam ảnh hưởng nặng nề bởi yếu tố dịch bệnh nên những nhóm ngành liên quan đến vận tải, hàng tiêu dùng bị ảnh hưởng tồi tệ nhất.
Tuy nhiên sự phục hồi mạnh mẽ đã diễn ra trong thời gian qua, giá vé máy bay đã tăng 25% so với cùng kỳ, mật độ di chuyển khoảng 5,3 triệu lượt khách và khách quốc tế cũng đang quay lại tương đối cao. Việc di chuyển duy trì tốt giúp vị thế ngành hàng không và dịch vụ vận tải hàng không sẽ có nhiều diễn biến thuận lợi hơn so với thời gian trước. Ngành cảng biển cũng đáng chú ý dù triển vọng kinh tế thế giới có thể suy giảm tạo ra ảnh hưởng nhất định đến ngành này.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp cũng có thể sẽ có sự tăng trưởng mạnh. Mặc dù vốn đăng ký chưa phục hồi lại nhưng vốn thực hiện đang tăng rất mạnh. Thời gian qua, những dự án bất động sản công nghiệp phía Nam đã tăng trưởng rất tốt, trong năm tới lĩnh vực này tại phía Bắc sẽ có động lực lớn tăng theo.
Ngoài ra, hai ngành vừa tăng về giá vừa tăng về sản lượng đó là bia và ngành nước. Đặc biệt, ngành nước có đặc thù chi phí đầu vào không tăng nhưng sản lượng và giá thì không bao giờ giảm dẫn tới định giá rất hấp dẫn, ông Trần Ngọc Báu phân tích.