Liên quan đến vụ nghi lừa 100 container hạt điều, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo tới các đơn vị liên quan làm rõ vụ việc.
Thủ tướng chỉ đạo làm rõ, đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xuất khẩu điều sang thị trường châu Âu.
Theo đó, Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng của các Bộ như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rốt ráo phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam cũng như các cơ quan liên quan, tiến hành kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Từ đó có biện pháp nhằm xử lý, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của ho.
Liên quan đến vụ việc này, tại họp báo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức tối 9/3, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Vinacas cho hay, qua trao đổi và cập nhật từ phía các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đi thị trường Italy, tổng số hàng ký kết ban đầu là 100 container hạt điều với giá trị gần 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đơn hàng này được chia nhỏ cho 5 doanh nghiệp và tiến hành giao rải rác từ đầu tháng 2 đến hiện tại. Container đầu tiên cập cảng Italy thì có người đến làm thủ tục nhận hàng. Dù vậy, doanh nghiệp xuất khẩu lại chưa nhận được thanh toán từ bên mua. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, doanh nghiệp đã ngay lập tức dừng việc vận chuyển tại Việt Nam.
Hiệp hội Điều Việt Nam kêu gọi áp dụng biện pháp “khẩn cấp”
Theo phía Hiệp hội Điều Việt Nam thông tin, các doanh nghiệp hạt điều của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mất trắng gần 100 container hạt điều xuất sang châu Âu. Giá trị của chúng lên tới hàng trăm triệu USD.
Được biết, các doanh nghiệp trên đều ký hợp đồng thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Italy. Tuy nhiên, họ không nhận được tiền thanh toán.
Dù các lô hàng này đã và đang được vận chuyển đến một số cảng của Italy. Nhưng doanh nghiệp khi gửi hồ sơ từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ của bên mua nhờ thu tiền theo hướng dẫn thì bị thay đổi số SWIFT.
Phía ngân hàng bên mua sau khi nhận chứng từ đã thông báo lại rằng, bên mua không phải khách hàng của họ. Đồng thời, họ trả lại bộ chứng từ. Dù phía ngân hàng Việt Nam nhiều lần liên hệ nhưng họ không ghi rõ trả theo hình thức nào.
Trong khi một số khách hàng gửi hồ sơ đến ngân hàng Italy, phía ngân hàng này nói rằng hồ sơ họ nhận không phải bản gốc mà là bản photo. Bất cứ ai nếu có bộ chứng từ gốc đều có thể gặp hãng vận chuyển và nhận hàng. Đáng nói, hiện tại doanh nghiệp Việt Nam cũng không nắm được bộ chứng từ gốc đang ở đâu.
Hiệp hội điều Việt Nam hiện đang tiến hành kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền, hãng tàu hỗ trợ và can thiệp kịp thời bằng cách áp dụng biện pháp “khẩn cấp”. Tức là, tạm giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng.
Qua vụ việc này, Vinacas khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên, trước khi thực hiện các giao dịch mua bán, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, mức độ uy tín của người môi giới và doanh nghiệp mua hàng để tránh các rủi ro tương tự.