Trong các đợt dịch Covid-19 xảy ra liên tiếp trong 9 tháng đầu năm 2021, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng trở thành bài toàn sống còn của các doanh nghiệp để có thể vượt qua được những khó khăn trong lúc này. Vậy hành trình để tìm kiếm nguồn tín dụng của các doanh nghiệp thực tế như thế nào?
Khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong 3 quý đầu năm 2021
Trước tác động của dịch Covid-19, NHNN và hệ thống các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay, góp phần kiểm soát lạm phát duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó tính đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn giảm, hạ lãi suất cho trên 1,3 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với thời điểm trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628 662 khách hàng. Động thái này góp phần hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn cho các doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn trong mùa dịch.
Theo ông Đào Ngọc Long, Giám đốc CTCP Greenpan, trong năm 2021 doanh nghiệp đã tới các ngân hàng để đề suất các gói hỗ trợ tín dụng nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Nhờ có những đơn hàng lớn trong 6 tháng cuối năm mà doanh nghiệp đã được ngân hàng đang hỗ trợ tín dụng tiếp tục tăng hạn mức, hỗ trợ tái cấp vốn để doanh nghiệp nhập nguyên vật liệu sản xuất cho các dự án trong 3 tháng cuối năm.
Cũng theo ông Long, doanh nghiệp hy vọng sang năm 2022 sắp tới, với kế hoạch mở rộng kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ được mở rộng gói hỗ trợ tín dụng để công ty vững vàng sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng thương mại do không thể đáp ứng được các tiêu chí mà ngân hàng đưa ra, trong khi nhu cầu về vốn để sớm trở lại trong giai đoạn “bình thường mới” đang là cấp thiết từng ngày.
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Như Yến, Giám đốc CTCP TM Xây dựng KPY cho biết:
“Công ty chúng tôi đã từng trao đổi với 4 – 5 ngân hàng để được hỗ trợ vay vốn nhưng ở thời điểm hiện tại, các quy định rất khó khăn và khó để tiếp cận. Ngân hàng đòi hỏi nhiều thủ tục mà trong quá trình dịch bệnh này, doanh nghiệp không thể đáp ứng được.
Tại thời điểm đó, với tài sản đảm bảo mà doanh nghiệp đưa vào thì cần vay dưới 10 tỷ để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, chi trả lương cho nhân viên cũng như nhập nguyên vật liệu đầu vào. Nhưng trong số các giấy tờ, thủ tục mà ngân hàng yêu cầu thì cần có báo cáo thuế dương trong vòng 3 năm. Tuy nhiên thực tế, có tới 2 năm doanh nghiệp phải chống chọi với dịch bệnh nên hiện tại vẫn đang lỗ; tài sản định giá không thể định giá do các công ty định giá không hoạt động trong thời gian giãn cách;…”
Thủ tục tiếp cận vốn còn chưa rõ ràng
Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn cảm thấy loay hoay trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ này.
Ông Nguyễn Doãn San, Phó giám đốc CT TNHH San Hà cho hay, khi doanh nghiệp trao đổi với ngân hàng thì họ rất là hiểu tình hình và chia sẻ với doanh nghiệp. Tuy nhiên để ngân hàng có thể duyệt một khoản vay hỗ trợ tín dụng thì cần rất nhiều thủ tục bởi ngân hàng vẫn phải đảm bảo đúng quy trình của Ngân hàng nhà nước và của Bộ tài chính.
Chưa kể, có những quyết sách chưa rõ ràng, chưa được cập nhật kịp thời thì doanh nghiệp lại phải đợi thêm thông tin, thêm những phổ biến, cập nhật vào thời điểm tiếp cận. Các ngân hàng cũng có giảm lãi suất vay ngắn hạn cho doanh nghiệp nhưng các gói tín dụng đều vướng về vấn đề thủ tục và chính sách nên doanh nghiệp chưa kể tiếp cận gói vay tín dụng nào.
Việc khó tiếp cận nguồn vốn vay thực chất đến từ cả 2 phía. Một mặt các doanh nghiệp đã suy yếu, sức khỏe tài chính không đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn vay. Trong khi về phía ngân hàng cũng rất lo ngại về nợ xấu gia tăng nên sẽ cẩn trọng hơn trong các quyết định giải ngân của mình.
Thanh Huyền (Tổng hợp)