Đánh thuế tài sản nhà đất vì “thịnh vượng chung”
Kế hoạch đánh thuế bất động sản nằm trong một phần của định hướng chính sách “thịnh vượng chung” mà Chủ tịch Tập Cận Bình “theo đuổi” nhằm giải quyết vấn nạn bất bình đẳng xã hội, phân bố của cải hợp lý.
Chương trình thí điểm 5 năm, thuế bất động sản sẽ áp dụng với nhà đất ở hoặc bỏ trống dựa trên giá trị của chúng (ngoại trừ nông thôn). Người phải nộp thuế là người nắm quyền sử dụng đất và chủ sở hữu.
Sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch áp dụng thuế bất động sản trên toàn quốc, giới quan sát lo ngại đây sẽ trở thành đòn chí mạng giáng thẳng vào nền tảng bất động sản cùng toàn bộ sự phát triển kinh tế trong nước.
Chính sách này sẽ không có hiệu lực ngay lập tức, trước tiên Trung Quốc sẽ thực hiện các kế hoạch thí điểm trong 5 năm tới tại một số thành phố được chọn. Sau nhiều năm tranh luận, luật thuế tài sản, thuế bất động sản sẽ được soạn thảo “nhanh chóng” sau khi các kế hoạch thí điểm hoàn thành.
Rosealea Yao, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics tại Hong Kong cho biết: “Chủ sở hữu nhà và những người mua nhà hiện phải tính đến trách nhiệm pháp lý đối với các khoản thuế trong tương lai. Không thể tránh khỏi, điều này sẽ làm giảm giá trị bất động sản”.
Hiện vẫn chưa rõ mức thuế đề xuất là bao nhiêu. Đặt giả thiết mức thuế là 1%, trong tương lai, các khoản thuế phải nộp lại tương đương với 20 đến 40% giá trị của một bất động sản hiện nay với thời hạn 70 năm sở hữu.
Khoản thuế bất động sản này sẽ tạo ra 1 sự thay đổi lớn trong bảng cân đối chi tiêu của các hộ gia đình. Rosealea Yao phân tích thêm: “Do giá nhà mới đã giảm khá nhanh nên việc áp dụng thuế bất động sản sẽ khiến doanh thu và giá nhà có nguy cơ sụt giảm liên tục”.
Kể từ năm 1998, Trung Quốc cho phép tư nhân hóa thị trường nhà đất, Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh chỉ đứng sau Hong Kong trong danh sách những khu vực có giá nhà đắt nhất trên thế giới.
Đánh cược vào nhu cầu nhà đất khổng lồ ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh, những người có tài sản ở Trung Quốc đã chọn cách mua đất tích trữ tài sản, chờ tăng giá và bán sang tay để trở thành những triệu phú, tỷ phú mới.
Tại Thâm Quyến, nơi giá bất động sản tăng chóng mặt trong những năm gần đây, chi phí trung bình để mua một căn hộ cao gấp 43,5 lần mức lương hàng năm của người dân.
Do đó, thế hệ trẻ Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi, tìm đến “Tang ping – triết lý nằm phẳng”, mặc kệ tất cả, bởi đồng lương của họ dù có cao cũng không thể bắt kịp với giá nhà ở.
Quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng “nhà ở là để ở chứ không phải để đầu cơ”, Chủ tịch Tập đã tấn công thị trường bất động sản bằng những biện pháp kìm hãm các khoản đầu cơ trong nhiều năm gần đây (hạn chế mua bất động sản thứ 2, siết chặt khoản vay với các nhà đầu tư, phát triển nhà đất với “3 lằn ranh đỏ”).
Thuế bất động sản – đòn đau đánh trực diện vào ngành địa ốc Trung Quốc
Evergrande Group, “trùm nợ” nhiều nhất thế giới đang khó khăn đối diện với khoản nợ lên tới 300 tỷ USD, trong đó, 19 tỷ USD là trái phiếu Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi đầu tháng đã cảnh báo rủi ro trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính Mỹ.
Từ lâu, lĩnh vực bất động sản đã trở thành ngành kinh tế trụ cột của đất nước tỷ dân khi chiếm 25% GDP. Sự ảnh hưởng của làn sóng nợ 5.000 tỷ USD vẫn đáng lo ngại kể cả khi Trung Quốc cố gắng tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tiêu dùng nhiều hơn, tránh xa đầu tư và công nghiệp.
Cơn địa chấn bất động sản khiến nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, xuống gần mức tăng trưởng tồi tệ vào năm 1990 (3,9%) do các biện pháp thắt chặt thị trường của Bắc Kinh và cuộc khủng hoảng nợ tại Evergrande bắt đầu bùng phát.
Vào tháng 10, giữa bối cảnh thị trường nhà ở hạ nhiệt nhanh chóng, giá nhà mới trên toàn quốc đã giảm 2 tháng liên tiếp. Doanh số nhà đất toàn quốc giảm 22% so với cùng kỳ..
Theo các nhà kinh tế, câu chuyện áp thuế bất động sản có thể khiến suy thoái trở nên trầm trọng hơn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ còn chậm hơn nữa (ngành liên quan bị ảnh hưởng như: xi măng, sắt thép, máy móc, thiết bị gia dụng,….” ảnh hưởng đến các nhà cung cấp. Giá vật tư kim loại toàn cầu cũng sẽ giảm mạnh khiến các nước đang hợp tác hàng hóa với Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điển hình là nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu bởi con hổ lớn Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Malaysia và Singapore, hay còn có Đức, Chile, Peru, Australia và Ả Rập Saudi.
Louis Kuijs thuộc Oxford Economics cho hay: “Sự suy thoái thị trường nhà ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn so với tưởng tượng. Thuế bất động sản hoàn toàn đủ mạnh để làm chậm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và có tác động lớn đến tăng trưởng toàn cầu”.
Để tránh khủng hoảng kinh tế, nhiều nhà kinh tế đề nghị Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát hạn ngạch với các khoản vay tín dụng, tiếp tục “mở cửa” các khoản vay cho các nhà phát triển có năng lực đang gặp khó khăn, hợp lý hóa thuế đánh vào bất động sản và làm rõ việc miễn thuế tài sản.
Các nhà kinh tế của China Finance 40 Forum cho biết: “Trung Quốc nên trì hoãn quá trình đưa ra các chính sách (thuế bất động sản) có thể khiến thị trường bất động sản chịu thêm nhiều “tổn thương” trong thời gian tới”.
Zoe Nguyen (Nguồn SCMP)