Thuốc đặc trị Covid-19 mà hãng dược phẩm Nhật Bản Shionogi & Co. Ltd đang phát triển có tiềm năng mang về doanh thu 2 tỷ USD mỗi năm…
Thuốc đặc trị Covid sẽ có vào năm 2022
Trao đổi với hãng tin Bloomberg, CEO Isao Teshiroghi của Shionogi nói rằng hãng này dự kiến đến tháng 12 sẽ có trong tay dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối về thuốc đặc trị Covid và sẽ hành động nhanh chóng để xin phê duyệt ở Nhật Bản.
Đây là loại thuốc viên uống có thể được dùng kết hợp với một thuốc đặc trị Covid khác từ hãng dược Merck & Co. Inc, có triển vọng lớn trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu ngày càng cần đến những loại thuốc dễ sử dụng để điều trị các ca bệnh nhẹ.
Shionogi sẽ bắt đầu sản xuất thuốc này ngay trong tháng 10 và dự kiến đến đầu năm 2022 sản xuất được 1 triệu liều. Trong tài khoá kết thúc vào tháng 3/2023, hãng dự kiến sản xuất được 6-7 triệu liều thuốc đặc trị Covid.
Thuốc của Shionogi là loại thuốc ức chế enzyme thuỷ phân và nhằm vào những khu vực khác của quá trình nhân đôi virus so với thuốc của Merck. Bởi vậy, hai loại thuốc này có thể dùng kết hợp – một tiềm năng mà hai công ty đang thảo luận, ông Teshirogi cho hay. Cả hai loại thuốc đều cần phải được cơ quan chức năng phê chuẩn trước khi thử nghiệm sử dụng kết hợp.
“Nếu giá thuốc như của Merck, khoảng 700 USD mỗi liệu trình, có thể được áp dụng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, tôi nghĩ mỗi năm công ty tôi sẽ đạt doanh thu ít nhất 1-2 tỷ USD từ thuốc đặc trị Covid trong mấy năm đầu”, ông Teshirogi phát biểu.
Cạnh tranh khốc liệt giành thị phần
Ông Teshirogi nói rằng nhu cầu thuốc đặc trị Covid sẽ tăng mạnh trong ngắn hạn, và năng lực sản xuất sẽ là một thách thức cho hầu hết các hãng dược đi đầu về những loại thuốc này.
Nếu thành công, thuốc viên đặc trị Covid của Shionogi sẽ có ảnh hưởng lớn về mặt tài chính đối với công ty. Đây là một hãng dược nhỏ của Nhật Bản, nổi tiếng với những nghiên cứu chất lượng cao và tập trung vào các bệnh truyền nhiễm, nhưng doanh thu chưa lọt top 10 hãng dược lớn nhất đất nước mặt trời mọc. Trong tài khóa mới nhất, doanh thu của Shionogi đạt 297,2 tỷ Yên, tương đương 2,7 tỷ USD.
Cuộc cạnh tranh để giành một “miếng bánh” trên thị trường thuốc đặc trị Covid đang diễn ra khốc liệt, khi thế giới điều chỉnh để sống chung với Sars-CoV2 như một bệnh thường xuyên (endemic). Dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối của Molnupiravir, thuốc đặc trị Covid của Merck, cho thấy thuốc này giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong khoảng 50%. Thông tin này khiến cổ phiếu các hãng sản xuất vaccine Covid trên toàn cầu bị bán mạnh và đặt ra hy vọng về những loại thuốc đặc trị Covid khác đang được phát triển.
Hai hãng dược khổng lồ Pfizer Inc. và Roche Holding AG cũng đang có các ứng viên thuốc đặc trị Covid trong quá trình phát triển. Các nhà phân tích ước tính rằng những thuốc đặc trị Covid thành công có thể mang tới doanh thu 10 tỷ USD mỗi năm.
Các liệu pháp điều trị Covid hiện nay đều đòi hỏi truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Đây là phương pháp tốn kém, khó giám sát và thường chỉ được áp dụng đối với bệnh nhân nằm viện. Trong khi đó, thuốc viên có thể được dùng uống ngay để tránh tình trạng bệnh chuyển nặng và nguy cơ tử vong, nên có thể xem như một “nhân tố thay đổi cuộc chơi”.
CEO Teshigori nói rằng Shionogi đang đàm phán với Chính phủ Nhật và một số quốc gia khác về cung cấp thuốc đặc trị Covid, nhưng không tiết lộ cụ thể đó là những nước nào. Công ty dự kiến sẽ tham vấn Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) trong năm nay để đẩy nhanh việc bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối trên phạm vi toàn cầu.
Về phần mình, Merck đã có một thoả thuận 1,2 tỷ USD về cung cấp thuốc viên đặc trị Covid cho Chính phủ Mỹ, và cũng đang đàm phán cung cấp loại thuốc này cho một số quốc gia khác.