Tại World Cup này, đội tuyển quốc gia Argentina đã trở thành đội tuyển yêu thích của các thương hiệu Trung Quốc và ít nhất tám thương hiệu đã ký hợp đồng với Argentina.
Trận chung kết World Cup 2022 đã diễn ra vào tối 18/12 đầy kịch tính với cuộc rượt đuổi tỷ số nghẹt thở. Đội tuyển Argentina đã đánh bại đội đương kim vô địch Pháp với tỷ số 7:5 (4:2 trong loạt sút luân lưu), và giành lại chức vô địch World Cup sau 36 năm. Sau khi kết quả trận đấu được công bố, ngoài sự phấn khích của người hâm mộ Argentina, rất nhiều nhà tài trợ cũng bùng nổ cảm xúc.
Nhiều thương hiệu Trung Quốc đặt niềm tin đúng chỗ
Đối với các nhà tài trợ, World Cup có lượng truy cập thuộc hàng top cũng có khả năng “gánh thương hiệu” thuộc hàng top. Năm 2014, đội tuyển Đức vô địch World Cup tại Brazil. Adidas, với tư cách là nhà tài trợ chính của đội tuyển Đức, đã bán được hơn 2 tỷ euro thiết bị bóng đá trong năm đó. Doanh số bán hàng tại Mỹ của Hyundai tăng tới 40%.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều hơn trong và ngoài sân vận động World Cup. Theo GlobalData, một công ty tư vấn và phân tích dữ liệu có trụ sở tại London, các nhà tài trợ của Trung Quốc đã chi ra 1,395 tỉ USD cho World Cup 2022, sự kiện diễn ra từ ngày 20/11 đến 18/12, vượt qua con số 1,1 tỉ USD mà các công ty Mỹ đã bỏ ra. Nhà tài trợ lớn nhất của Trung Quốc tại Qatar là tập đoàn Wanda, 1 trong 8 đối tác chính thức của FIFA – cấp tài trợ cao nhất, cùng với Coca-Cola, Adidas, Hyundai, Kia, Qatar Airways, QatarEnergy và Visa.
Ba công ty khác ở Trung Quốc gồm Hisense, nhà sản xuất thực phẩm Mengniu Dairy và gã khổng lồ điện thoại thông minh Vivo cũng đã chi cả núi tiền để trở thành nhà tài trợ chính cho World Cup 2022.
Về các nhà tài trợ đội tuyển, Argentina với tư cách là đội được đặt nhiều hy vọng vô địch World Cup 2022, đã được rất nhiều nhà tài trợ Trung Quốc ưu ái. Theo thống kê của Southern Metropolis Daily, Yili, Panpan Food, Cudi Coffee, Macro, GAC Mitsubishi, Netease Media, Wanda Sports và Lingxi Entertainment đều là nhà tài trợ hoặc đối tác của đội tuyển Argentina.
Vào tháng 11, Leandro Peterson, giám đốc tiếp thị của Hiệp hội bóng đá Argentina, cho biết trong số các nhà tài trợ toàn cầu đã ký kết, các công ty Trung Quốc chiếm 10% đến 15%.
“Giấc mơ World Cup” của doanh nghiệp Trung Quốc
Mặc dù các cường quốc bóng đá chủ yếu tập trung ở châu Âu và châu Mỹ nhưng gần một nửa số khán giả của World Cup đến từ châu Á. Theo số liệu của FIFA, tại World Cup 2018 ở Nga, lượng người xem châu Á đạt 1,6 tỷ người, chiếm 43% tổng lượng khán giả toàn cầu. Ba trong số năm quốc gia hàng đầu về số lượng người xem là ở châu Á, cụ thể là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Dù “mối tình” giữa các công ty Trung Quốc và World Cup đến muộn nhưng quy mô tài trợ đã tăng lên nhanh chóng. Sự lấn át của các công ty Trung Quốc tại giải đấu minh chứng cho tham vọng mở rộng sự nhận diện ra toàn cầu khi quy mô ngày càng tăng lên của những thương hiệu này. 12 năm trước tại Nam Phi, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên trở thành nhà tài trợ chính thức cho World Cup là Yingli Solar, nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.
Không dưới 7 công ty Trung Quốc đã tài trợ cho World Cup 2018 tại Nga với mức chi tiêu ước tính 835 triệu USD, nhiều hơn nhiều so với các thương hiệu của Mỹ và Nga.
Tại Qatar World Cup, quyền tài trợ của các nhà tài trợ Trung Quốc cũng đã thay đổi từ tiếp xúc thương hiệu đơn giản sang tham gia sâu hơn với mức kinh phí khủng. World Cup tiếp theo sẽ được tổ chức ở Bắc Mỹ vào năm 2026 và sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào sự kiện này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.