Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren vừa công bố một dự thảo luật kiểm soát chặt lĩnh vực tiền mã hóa hơn nữa để ngăn chặn rửa tiền.
Tối ngày 14/12, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đại diện cho bang Massachusetts đã công bố một dự thảo luật mới dành cho ngành tiền mã hóa, mang tên “Đạo luật Chống rửa tiền đối với Tài sản Kỹ thuật số”, với mục tiêu tăng cường các biện pháp ngăn chặn rửa tiền thông qua crypto.
Rogue nations, oligarchs and drug lords are using crypto to launder billions, evade sanctions and finance terrorism. My bipartisan bill puts common-sense rules in place to help close crypto money laundering loopholes and protect our national chứng khoán.https://t.co/n69LZfX8zX
— Elizabeth Warren (@SenWarren) December 14, 2022
Cụ thể, dự thảo luật muốn mở rộng yêu cầu xác minh danh tính (KYC) lên nhà cung cấp dịch vụ ví crypto, thợ đào và các thành phần tham gia mạng lưới blockchain khác. Luật cũng nghiêm cấm tương tác với các giao thức cho phép trộn lẫn giao dịch hòng che giấu lịch sử. Một ví dụ về nó chính là Tornado Cash – ứng dụng máy trộn giao dịch Ethereum đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 8.
Bà Warren viết:
“Ngành tiền mã hóa nên tuân thủ các quy tắc thông thường mà được áp dụng cho ngân hàng, đơn vị môi giới và Western Union, và dự thảo luật này sẽ đảm bảo những quy tắc đó cũng có hiệu lực lên các giao dịch tài chính tương tự.”
Vị Thượng nghị sĩ còn muốn Bộ Tài chính Hoa Kỳ xây dựng một quy trình đánh giá nhằm phân loại các công ty crypto vào từng nhóm cung cấp dịch vụ cụ thể như là ngân hàng hay đơn vị chuyển tiền, phục vụ mục đích dễ quản lý hơn. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán (SEC) và Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn (CFTC) cũng phải tạo những tiêu chí thẩm định riêng dành cho những đơn vị rơi vào thẩm quyền quan lý của họ.
Chưa dừng lại ở đó, một cơ quan quản lý tài chính khác là Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN) được đề nghị ban hành một quy định mới, yêu cầu các ngân hàng và dịch vụ chuyển tiền phải báo cáo và lưu trữ dữ liệu về các giao dịch và đối tác có sử dụng ví tiền mã hóa chưa KYC, hoặc là ví tiền mã hóa đến từ các vùng lãnh thổ chưa tuân thủ quy định chống rửa tiền của Mỹ.
Người dân Mỹ khi tiến hành các giao dịch crypto ra nước ngoài với giá trị từ 10.000 USD trở lên sẽ phải khai báo thông tin cho cơ quan chức năng. Các đơn vị cung cấp máy ATM crypto tại Mỹ cũng phải xác minh thông tin người sử dụng, báo cáo vị trí địa lý đặt máy và số lượng ATM đã lắp đặt lên chính quyền.
Lý giải về những đề xuất có phần hà khắc có trong dự luật, Thượng nghị sĩ Warren nói rằng bản thân đã cố cảnh báo Thượng viện Mỹ về những kẽ hở nguy hiểm đang tồn đọng trong lĩnh vực crypto, và vụ sụp đổ mới đây của sàn FTX càng chứng minh những quan ngại của bà là chính xác.
Tuy nhiên, dự thảo luật khả năng cao sẽ chỉ có thể được thảo luận trong phiên họp Thượng viện khóa mới vào tháng 01/2023.
Tại Mỹ lúc này cũng đang có nhiều dự thảo luật quản lý crypto được đệ trình lên Quốc hội sau mệnh lệnh hành pháp kêu gọi quản lý ngành tiền mã hóa được Tổng thống Biden đưa ra hồi đầu năm. Đáng chú ý nhất trong đó là các dự luật về quản lý toàn ngành crypto, dự luật về quản lý stablecoin và dự luật trao quyền quản lý crypto cho CFTC, đồng thời hạn chế sự mở rộng của DeFi do cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried cố vấn. Ngoài ra còn có đề xuất đánh thuế “nhà môi giới” crypto đang chờ được Bộ Tài chính Mỹ làm rõ phạm vi áp dụng.
Coin68 tổng hợp
TUYÊN BỐ TỪ CHỐI TRÁCH NHIỆM: Các quan điểm và ý kiến được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và không cấu thành lời khuyên về đầu tư. Tiền điện tử có rủi ro cao, hãy cẩn trọng trong giao dịch.