Sau cú sốc vì dịch bệnh vào năm 2020, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ đã bật tăng mạnh mẽ trong năm 2021.
Xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, phá kỷ lục ghi nhận năm 2014 khi doanh thu trong lĩnh vực này tăng lên gần 22,3 tỷ franc Thụy Sĩ (24,1 tỷ USD).
Ngày 27/1, Liên đoàn công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ công bố báo cáo doanh thu cho thấy, so với trước đại dịch xảy ra vào năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đồng hồ của Thụy Sỹ đã tăng 2,7%. Không những vậy, kim ngạch xuất khẩu đồng hồ còn tăng 0,2% so với mức đỉnh đạt được vào năm 2014. Điều đó cũng cho thấy, ngành hàng xa xỉ đang phục hồi một cách mạnh mẽ.
Trong khi đó, Văn phòng Liên bang về hải quan và an ninh biên giới cũng đưa ra một tuyên bố cho thấy, xuất khẩu đồng hồ của Thụy Sỹ tăng 31,2% so với 2020.
Theo Jean-Daniel Pasche – Chủ tịch Liên đoàn sản xuất đồng hồ, ngành chế tạo đồng hồ đã đi theo xu hướng phục hồi của lĩnh vực hàng xa xỉ. Chính sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã giúp những người giàu có gia tăng tài sản, tạo cơ hội cho sự phục hồi mạnh mẽ đối với lĩnh vực hàng xa xỉ.
Trước đó, vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến cho lĩnh vực hàng xa xỉ bị thiệt hại nặng nề. Ngành sản xuất đồng hồ tại Thụy Sỹ cũng vì thế mà phải trải qua một cú sốc lớn. Trong khoảng thời gian phong tỏa, giãn cách, ngành du lịch bị đóng băng, các cửa hàng đồng hồ cũng bị đóng cửa. Những điều này khiến cho xuất khẩu đồng hồ của Thụy Sĩ bị giảm 21,8% trong năm 2020.
Xuất khẩu đồng hồ hứa hẹn khởi sắc năm 2022
Nhưng rồi tình trạng này cũng chấm dứt khi đầu năm 2021, xuất khẩu đồng hồ đã bật tăng trở lại. Tín hiệu tích cực đầu tiên đến từ thị trường Mỹ. Sau đó là các nước vùng Vịnh.
Theo số liệu của Liên đoàn công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ sang Mỹ năm 2021 so với năm 2020 tăng 54,9%, sang Singapore tăng 36,5%, sang Trung Quốc tăng 23,9%, sang Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng 31,2%.
Jean-Christophe Babin – Giám đốc điều hành của Bulgari, công ty con thuộc tập đoàn LVMH chia sẻ, không có gì bất ngờ khi gia tăng xuất khẩu đồng hồ sang vùng Vịnh bởi hoạt động này có sự liên quan nhiều đến giá dầu cũng như khí đốt. Việc các mặt hàng trên tăng giá đã góp phần hồi sinh niềm tin của khách hàng lớn ở Trung Đông.
Tuy nhiên, tại các thị trường xuất khẩu truyền thống và quan trọng như Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Pháp, Anh kim ngạch xuất khẩu vẫn ở dưới mức trước đại dịch do khách du lịch giảm.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định rằng, năm 2022, nhu cầu về hàng xa xỉ sẽ tiếp tục tăng lên. Việc trở lại của dòng khách du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ cho xu hướng phục hồi của hoạt động xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ.
Theo kỳ vọng của Jon Cox – nhà phân tích của Kepler Cheuvreux, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ năm 2022 sẽ tăng 9%.
Người giàu Trung Quốc đầu tư vào đồng hồ xa xỉ
Người dân Trung Quốc vốn rất ưa chuộng đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại cùng với chiến dịch chống đầu cơ nhà ở của Chủ tịch Tập Cận Bình, người dân đang chuyển hướng sang đầu tư các loại đồng hồ xa xỉ.
Trong cuộc khảo sát của CSG Intage – một công ty tư vấn có trụ sở tại Hồng Kông hồi tháng 10 dựa trên 1.500 người Trung Quốc có thu nhập theo hộ gia đình trên 500.000 nhân dân tệ/năm cho thấy, 88% trong số họ cho biết sẽ tiếp tục hoặc tăng mua đồng hồ xa xỉ, giá trung bình 76.700 nhân dân tệ, trong 12 tháng tới.
Tác giả của cuộc khảo sát – ông Simon Tye nhận định, thị trường đồng hồ cao cấp đang có sự tăng trưởng mạnh. Theo lời ông này, sẽ không có sẵn hàng tại một cửa hàng đồng hồ Rolex để bán cho khách.
Ngoài việc khẳng định địa vị xã hội, việc sở hữu đồng hồ xa xỉ còn giúp giới nhà giàu cất giữ tài sản và chống lạm phát.
Còn ông David Wang, đại diện cho đại lý bán đồng hồ cao cấp tại Thượng Hải nói rằng, nhu cầu đối với một số mẫu cao cấp nhất định nhiều nhưng nguồn cung lại thiếu hụt.
Đồng hồ xa xỉ được giới nhà giàu lựa chọn còn bởi tính di động, dễ dàng di chuyển ra nước ngoài nếu cần. Khi mà, chủ sở hữu có thể chuyển chúng ra nước ngoài, qua mắt được nhân viên hải quan.
Cát Anh (T/h)