Bộ Tài chính cảnh báo, các nhà đầu tư phải hết sức lưu ý khi quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); lãi suất cao sẽ đi kèm với nhiều rủi ro, nhất là với các doanh nghiệp bất động sản.
Cảnh giác với trái phiếu lãi suất cao
Theo thông tin từ Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), sau gần 8 tháng triển khai các quy định mới về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ, thị trường TPDN có tốc độ tăng trưởng nhanh. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Dù vậy, bên cạnh các tác động tích cực giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường TPDN riêng lẻ cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Một số doanh nghiệp nhất là DN bất động sản phát hành trái phiếu (TP) với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản); có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.
Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp huy động vốn TP riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành. Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành TP vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn TP với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, và sẽ không trả được nợ gốc, lãi TP cho nhà đầu tư.
Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định về phát hành TPDN đã quy định rõ: chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Theo đó, nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Xác minh thông tin trái phiếu trước khi đầu tư
Mới đây, ngày 01/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn số 10059/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường TPDN. Yêu cầu này xuất phát từ thực tế thời gian qua bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Vụ Tài chính ngân hàng khuyến nghị: Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, NHTM) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của TP .
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi TP khi đến hạn hay không. Rủi ro của TP vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Đặc biệt, trong trường hợp “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua TP thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu TP và không được bảo đảm các quyền lợi đối với TP theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về TP trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường TPDN.