Khi tình hình bất ổn chính trị trên thế giới không ngừng leo thang, Mỹ đã đề xuất cấm sử dụng hệ thống thanh toán tiền kỹ thuật số của Trung Quốc, e-CNY trong khi đó, Nga lại cân nhắc sử dụng tiền điện tử trong thương mại quốc tế.
Mỹ muốn cấm tiền kỹ thuật số của Trung Quốc
Các nhà lập pháp ở Mỹ đang nỗ lực bảo vệ người dân Mỹ khỏi những tác động tiềm ẩn không mong muốn liên quan đến việc triển khai đồng tiền nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.
Ba thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là Tom Cotton, Mike Braun và Marco Rubio đã giới thiệu một dự luật nhằm hạn chế việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (CBDC) tại Mỹ. Theo dự luật, các nhà phân phối ứng dụng và phần mềm ở Mỹ sẽ không hỗ trợ hoặc cho phép giao dịch bằng e-CNY hoặc hỗ trợ bất kỳ ứng dụng nào có các giao dịch như vậy trên nước Mỹ. Dự luật “Bảo vệ người Mỹ khỏi Đạo luật tiền kỹ thuật số độc quyền” nhằm hạn chế việc sử dụng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Trung Quốc (CBDC) ở Mỹ.
Trong phản ứng sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chỉ trích đây là hành động bắt nạt các công ty nước ngoài với lý do an ninh quốc gia. Đầu năm 2022, Richard Turrin, Chuyên gia tư vấn Công nghệ Tài chính tại CNBC nhận định rằng, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể làm suy yếu sự thống trị của USD trong 10 năm tới.
Nga nghiên cứu dùng tiền điện tử để thanh toán quốc tế
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Ukraine và hàng loạt các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga sớm hay muộn cũng sẽ hợp pháp hóa tiền điện tử như một phương tiện thanh toán. Nga đang xem xét cho phép sử dụng tiền điện tử để thanh toán quốc tế, hãng tin Interfax dẫn lời một quan chức chính phủ Nga cho biết hôm 27/5.
Ông Ivan Chebeskov, Giám đốc Vụ Chính sách Tài chính của Bộ này cho biết khả năng sử dụng tiền điện tử đang được Bộ Tài chính Nga xem xét vì khả năng tiếp cận các kênh thanh toán truyền thống của nước này bị hạn chế. “Minfin đang tích cực thảo luận về việc sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch hàng đổi hàng, nếu nó được công nhận là tài sản ở Liên bang Nga. Đây là chủ đề đáng được quan tâm, vì Nga bị hạn chế khả năng sử dụng cơ sở hạ tầng thanh toán truyền thống cho các khu định cư trong hoạt động kinh tế quốc tế của mình”.
Vào tháng 3, Chủ tịch Ủy ban năng lượng tại Hạ viện Nga Pavel Zavalny đề cập đến các quốc gia “thân thiện” như Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có thể linh hoạt hơn trong các lựa chọn thanh toán. Bình luận của ông được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các nước “không thân thiện” trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Zavalny nói , chỉ các quốc gia “thân thiện” mới nhận được tùy chọn Bitcoin.
Các cuộc thảo luận đã diễn ra trong nhiều tháng và mặc dù chính phủ hy vọng tiền điện tử sẽ sớm được hợp pháp hóa như một phương tiện thanh toán, nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Nga.