Mạng xã hội TikTok đã phải xoá 113 triệu video rác trong vòng 3 tháng, phần nhiều trong số đó chứa các nội dung độc hại với trẻ em.
113 triệu video của Tiktok bị xóa chỉ chiếm 1% tổng video được đăng tải
Theo báo cáo minh bạch hằng quý của TikTok, mạng xã hội này đã phải xóa khoảng 113 triệu video vi phạm chính sách trong quý II/2022. Mà theo như chuyên trang công nghệ The Verge thì “Con số này chỉ chiếm 1% so với tổng số video được đăng tải lên nền tảng này trong cùng khoảng thời gian”.
Các video bị xóa phần nhiều liên quan các nội dung độc hại với trẻ em, chiếm tỷ lệ tới 44%. Ngoài ra, các video khác bị xóa với các lý do như hoạt động bất hợp pháp, hàng hóa thuộc diện không được quảng cáo, video nghi có hình ảnh khỏa thân hay có nội dung người lớn…
Số liệu còn cho thấy, quý II/2022, 48 triệu video vi phạm chính sách đã bị hệ thống tự động của TikTok xóa. Trong đó, có tới khoảng 96% video bị xóa trước khi người dùng gửi báo cáo nội dung xấu. Theo chia sẻ của TikTok, họ đã sử dụng thuật toán tự động, kết hợp đánh giá của con người nhằm sàng lọc nội dung có thể vi phạm nguyên tắc sử dụng.
Để ngăn sự lan truyền các nội dung hiểu lầm, tin giả mà mạng xã hội này gần đây đã nỗ lực hơn trong việc kiểm duyệt video một cách chặt chẽ. Tiktok là nền tảng video ngắn sở hữu hơn một tỉ người dùng. Nó giúp giới trẻ sáng tạo ra nhiều nội dung, nhưng cũng được cho là nơi phát tán ra nhiều trào lưu nguy hại.
Ở một diễn biến khác liên quan tới TikTok, đầu tháng 9, một quan chức Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ Nhà Trắng đang xem xét về việc cấm mạng xã hội này.
Cụ thể, Mỹ đã nhiều lần đưa TikTok vào “diện theo dõi”. Lý do họ đưa ra là lo ngại mạng xã hội này đe dọa an ninh quốc gia. Nhiều nghị sĩ Mỹ đề xuất cần ngăn chặn mạng video của ByteDance vì nó thu thập dữ liệu người dùng Mỹ, sau đó gửi về cho Chính phủ Trung Quốc.
Tiktok lấn sân sang nhiều mảng
Năm ngoái, doanh thu của TikTok là gần 4 tỷ USD, chủ yếu đến từ hoạt động quảng cáo. Hãng nghiên cứu eMarketer dự báo, năm nay, con số này sẽ lên 12 tỷ USD, lớn hơn cả Twitter và Snap cộng lại.
Dù lượng người hoạt động mỗi tháng của Tiktok nhỏ hơn Facebook và Instagram nhưng nếu tính về thời lượng sử dụng, trung bình mỗi người dùng tại Mỹ sử dụng 29 giờ/tháng, nhiều hơn so với Facebook (16 giờ) và Instagram (8 giờ) cộng lại.
Không chỉ quảng cáo, mạng xã hội này còn đang lấn sân sang phân phối âm nhạc, phát hành game hay đăng ký thuê bao.
Chưa hết, Tiktok còn lấn sân sang mảng thương mại điện tử với mục đích xóa nhòa ranh giới giữa mạng xã hội và mua sắm online. Theo đó, người bán có thể mở cửa hàng trực tuyến tại một số nước như Anh, Indonesia và Thái Lan. Được biết, hàng triệu người dùng đang trực tiếp mua sản phẩm trong ứng dụng này.