Trong tổng số 35 container hạt điều xuất khẩu sang Italy bị mất chứng từ gốc, cho đến nay, doanh nghiệp Việt đã thu hồi được 12 container hạt điều.
Tin mừng cho doanh nghiệp Việt vụ container hạt điều xuất sang Italy mất chứng từ
TTXVN đưa tin từ Văn phòng Luật sư Davide Gallasso và Cộng sự cho biết, đến hiện tại, thông qua hình thức đàm phán, xác nhận với phía người mua, các doanh nghiệp Việt đã giành lại được quyền sở hữu 9 container hàng bị mất chứng từ gốc.
Cụ thể, các luật sư đã làm việc với 1 công ty Italy. Công ty này đã xác nhận rằng họ không liên quan đến 9 container trên và chưa bao giờ mua hàng của Việt Nam. Nhờ đó, doanh nghiệp Việt lấy được 9 container.
Đáng nói, sau khi đổi vận đơn, những container này có thể bán cho khách hàng mới trong thời gian rất ngắn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm được tổn thất lớn. Liên quan đến vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy, các doanh nghiệp Việt đến nay đã bán lại được 18 container sang 2 quốc gia là Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Để đưa 3 container về Việt Nam, các doanh nghiệp Việt đã trả tiền bảo lãnh cho công ty vận chuyển.
Để tìm kiếm những khách hàng mới. Hiện một số đối tác bày tỏ quan tâm, xem xét mua số hạt điều này, luật sư cùng với Thương vụ Việt Nam tại Italy tiến hành kết nối với các doanh nghiệp Việt kiều uy tín tại Italy, CH Czech, Đức, Áo, Hungary, Bỉ…
Luật sư Davide Gallasso đưa khuyến cáo đối với các doanh nghiệp Việt Nam là khi xuất khẩu hàng hóa cần tìm hiểu kỹ đối tác nhập khẩu; lựa chọn phương thức thanh toán an toàn, chủ động thuê tàu vận chuyển. Nói cách khác, doanh nghiệp nên lựa chọn xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF. Việc chủ động thuê tàu sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát chứng từ gốc và hàng hóa tốt hơn.
Nỗi lo mất trắng…
Trước đó, nhiều doanh nghiệp hạt điều của Việt Nam có nguy cơ mất trắng gần 100 container hàng xuất sang châu Âu, trị giá của chúng lên tới hàng trăm triệu USD. Ký hợp đồng xuất khẩu nhân điều sang Italy thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt nhưng các doanh nghiệp lại không nhận được tiền thanh toán.
Dù các lô hàng trong trạng thái đã và đang đến một số cảng của Italy nhưng khi doanh nghiệp làm theo hướng dẫn thì bị thay đổi số SWIFT – mã riêng của từng ngân hàng, được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu.
Sau khi nhận chứng từ, ngân hàng bên mua thông báo bên mua không phải khách hàng của họ, đồng thời trả lại bộ chứng từ. Tuy nhiên, phía ngân hàng Việt Nam nhiều lần liên hệ nhưng họ không ghi rõ trả theo hình thức nào.
Đáng nói, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng. Nhưng doanh nghiệp Việt hiện cũng không biết bộ chứng từ gốc đang ở đâu.
Hiệp hội điều Việt Nam đã vào cuộc, kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, can thiệp. Hiệp hội này cũng đề nghị các hãng tàu áp dụng biện pháp “khẩn cấp” – tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng.