“Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2021″ – Đây là nhận định được đưa ra tại Họp báo “Công bố số liệu thống kê Kinh tế – Xã hội Quý III và 9 tháng năm 2021” được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29 tháng 9 vừa qua.
Tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19
Theo Tổng cục thống kê, GDP Quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ giảm rất sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và 9,28%. Nguyên nhân là do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến sản xuất bị ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động thương mại và dịch vụ. Trong đó, Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tại các tỉnh thành phố “đầu tàu” về sản xuất công nghiệp của cả nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ cho biết:
“Có thể thấy mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 là rất nặng nề. Vào thời điểm tháng 9/2019, khi Việt Nam chưa bị tác động bởi dịch bệnh, tổng doanh thu của lĩnh vực du lịch lữ hành đạt gần 3,800 tỷ đồng. Tới tháng 9/2020, doanh thu của du lịch, lữ hành cũng đạt mức 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2021 này, số liệu thống kê cho thấy, doanh thu của ngành này đã sụt giảm nghiêm trọng, xuống còn 76,2 tỷ đồng. Con số này được ghi nhận tăng 50% so với doanh thu tháng 8/2021 nhưng nếu so sánh với các tháng trước khi bị tác động bởi dịch Covid-19 thì sẽ thấy sự sụt giảm rất lớn.”
Cũng tại họp báo, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp và xây dựng TCTK cho rằng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này đã tác động đến hầu hết các địa phương về phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp và tốc độ phát triển kinh tế ở các địa phương đều suy giảm.
Dự đoán, hầu hết các địa phương sẽ không thể hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp và kinh tế 2021. Từ đó cũng gây ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế của cả nước trong năm 2021.
Hàng loạt doanh nghiệp phải giải thể vì Covid-19
Đáng chú ý, dịch Covid-19 kéo dài cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vào tháng 9/2021 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong khi đó, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường là 90.300 doanh nghiệp, tương đương với bình quân 1 tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường.
Theo bà Phí Thị Phương Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng TCTK, một cuộc khảo sát nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp cho thấy, có tới 94,3% doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đặc biệt đối với 19 tỉnh phía Nam thì gần 99% doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, 65,4% doanh nghiệp gặp khó khăn do việc chi phí đầu vào tăng lên do phát sinh các chi phí liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, chi phí về logistics và giá nguyên liệu tăng cao.
Dù khẳng định Việt Nam không thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6.5% nhưng Tổng cục thống kê cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để cải thiện mức tăng trưởng hiện tại nếu đạt được kết quả trong công tác phòng chống dịch tốt và đẩy nhanh tốc độ mở cửa nền kinh tế. Cùng với đó, khi mở cửa lại, cần tập trung vào trụ cột kinh tế bao gồm đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và tăng tiêu dùng dân cư.