Tổng thống Joe Biden cùng với các quan chức Mỹ đã tổ chức 2 cuộc họp vào hôm 21/3 với các CEO hàng đầu đất nước.
Cuộc gặp của Tổng thống Joe Biden với các CEO cấp cao của Mỹ
Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với khủng hoảng lạm phát.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thương mại và các quan chức Nhà Trắng đã họp mặt với lãnh đạo các công ty lớn. Cụ thể, những cái tên hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp hay dịch vụ tài chính và sản xuất được mời đến tham dự cuộc họp như Cargill, JPMorgan Chase, ExxonMobil, US Steel, Visa…
Tổng thống Joe Biden sẽ có buổi gặp với các thành viên của Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh (BRT) sau cuộc họp trên. Nội dung dự kiến của buổi gặp sẽ đề cập đến một vài vấn đề liên quan đến Nga, tình hình lạm phát hay khuyến khích sản xuất trong nước.
BRT thường có những cuộc khảo sát theo quý. Trong lần khảo sát gần đây nhất, tăng trưởng GDP của Mỹ được lãnh đạo các doanh nghiệp dự báo giảm trong năm nay, từ mức 7% xuống còn 3,9%. Chưa hết, kỳ vọng về một số tiêu chí như doanh số bán hàng, chi phí vốn, tuyển dụng trong 6 tháng tới cũng sẽ giảm.
Để cải thiện tình trạng này, BRT kêu gọi các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Tổng thống Biden tiến hành các bước làm sao để có thể giảm lạm phát.
Giám đốc điều hành General Motors và BRT – bà Mary Barra kêu gọi quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chips chi 52 tỉ USD cho ngành bán dẫn trong nước. Đây là một phần của Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới (USICA).
Trong khi đó, giám đốc điều hành của BRT – ông Josh Bolten cho biết vấn đề lạm phát nên được giải quyết bằng cách giảm thuế, khuyến khích sản xuất nhiên liệu trong nước và hợp tác với doanh nghiệp. Các cách này có thể góp phần giải quyết thách thức về chuỗi cung ứng.
Lạm phát ở Mỹ tăng cao và động thái của FED
Lạm phát của Mỹ đang được đánh giá là ở mức cao nhất trong 40 năm. Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 của Mỹ tăng 7,9%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/1982.
Dù không nằm ngoài dự báo nhưng dấu hiệu này cho thấy việc leo thang của giá cả, đặc biệt là các mặt hàng như xăng dầu, thực phẩm, nhà ở. Trong đó, gánh nặng lớn nhất chính là năng lượng khi mà chỉ trong 1 năm, giá xăng đã tăng 38%.
Công cụ chính để chống lại lạm phát là lãi suất. Trước bối cảnh này, ngày 16/3, Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED đưa ra thông cáo cho biết, ngân hàng này quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, nâng biên độ lãi suất của FED lên mức 0,25-0,5%.
Theo thông báo này thì FED sẽ tiếp tục sát sao theo dõi tình hình kinh tế và lạm phát, từ đó đưa thêm các đợt nâng lãi suất nữa. Theo dự kiến của FOMC, có 6 đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2022 và thêm 3 đợt khác trong năm 2023. Tính đến cuối năm nay, lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9%.
Quyết định của FED là một sự đảo ngược mạnh mẽ về chính sách tiền tệ. Cách đây 2 năm, cơ quan này đã giảm lãi suất xuống gần bằng 0 cùng với một loạt các chương trình trợ lực cho nền kinh tế chống chọi với vi rút SARS-CoV-2.